Bộ Giáo dục và Đào tạo: Điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 không gây 'sốc'

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 không gây 'sốc'
9 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh yếu tố đổi mới lớn nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực.
Chiều 15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2025. Đây là lần đầu tiên phổ điểm được công bố trước điểm thi.
Đề thi có độ phân hóa tốt
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định kỳ thi đã diễn ra thành công, đạt đầy đủ ba mục tiêu lớn: Xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và cung cấp dữ liệu tin cậy cho tuyển sinh đại học.
Xem Báo cáo thống kê và phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 TẠI ĐÂY.
Ông nhấn mạnh, phổ điểm năm nay phản ánh đúng năng lực học sinh, không gây “sốc” như nhiều người lo ngại. Các chỉ số như điểm trung bình, trung vị và độ lệch chuẩn đều ổn định, cho thấy đề thi có độ phân hóa tốt. Đặc biệt, việc chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực đã giúp học sinh phát huy sở trường, lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp.
"Các tỉnh như Nghệ An, Nam Định, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc… vươn lên rõ nét, thay vì chỉ Hà Nội hay TP.HCM đứng đầu như trước đây", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng dẫn chứng.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2025 đạt 99,21%, gần tương đương với năm 2024 (99,24%). Điểm đáng chú ý là kỳ thi năm nay đã giảm áp lực cho học sinh khi điểm thi chỉ chiếm 50% trong số xét tốt nghiệp, phần còn lại được tính từ quá trình học tập lớp 12. Đây là bước điều chỉnh quan trọng nhằm công nhận đúng năng lực học sinh, tránh lệ thuộc tuyệt đối vào điểm số kỳ thi.
Theo Thứ trưởng, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nhằm bảo đảm việc đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, kết quả thi là căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, cũng như phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo của ngành.
Đặc biệt, dữ liệu thi có độ tin cậy cao, phản ánh đúng năng lực người học, là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong công tác tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Bộ GD&ĐT khẳng định kết quả kỳ thi năm nay là minh chứng cho tinh thần “học thật, thi thật, kết quả thật” mà ngành giáo dục đang hướng tới. Ảnh: Trần Hiệp/Moet.
Chia sẻ về những thách thức trong tổ chức kỳ thi năm nay, Thứ trưởng nhấn mạnh yếu tố đổi mới lớn nhất là chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực. Điều này đòi hỏi cách xây dựng đề thi phải bảo đảm độ khó – dễ theo chuẩn mới. Học sinh cũng được lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp để phát huy năng lực cá nhân. Thậm chí với những môn ít được lựa chọn, ở một số địa phương chỉ có một thí sinh dự thi, các em vẫn được bảo đảm đầy đủ điều kiện thi như mọi môn khác.
"Học sinh của chúng ta đã chuyển trạng thái rất nhanh, không bị động như trước. Có lẽ các con thấm từ lâu rồi mà chúng ta lúc nào cũng lo thay", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói. Ông khẳng định, kết quả kỳ thi năm nay là minh chứng cho tinh thần “học thật, thi thật, kết quả thật” mà ngành giáo dục đang hướng tới.
Ông cho rằng kết quả này chính là hướng tới học sinh và hướng tới kết quả thật, đúng theo tinh thần chỉ đạo chủ động, sáng tạo, học thật, thi thật, kết quả thật, nhân tài thật của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông
Tại hội nghị phân tích kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhiều chuyên gia nhận định phổ điểm năm nay đã phản ánh trung thực chất lượng giáo dục hiện tại, với độ phân hóa rõ rệt và đề thi có sự cải tiến rõ nét. Thí sinh thích ứng nhanh với yêu cầu mới, trong khi các địa phương cũng cho thấy bước tiến đáng kể về năng lực tổ chức thi và chuẩn bị kiến thức.
Theo các chuyên gia, kỳ thi năm nay không chỉ làm tốt vai trò đánh giá năng lực học sinh và hỗ trợ công tác tuyển sinh, mà còn trở thành nguồn dữ liệu quan trọng phục vụ việc hoạch định lại chiến lược phát triển giáo dục quốc gia.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức. Ảnh: Trần Hiệp/Moet.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá cao chất lượng phổ điểm năm nay, đặc biệt là ở hai môn Toán và Tiếng Anh.
Ông cho rằng môn Toán đạt độ phân loại tốt nhất kể từ năm 2018, cho phép đánh giá rõ ràng năng lực học sinh theo các mức khá, giỏi và trung bình.
Trong khi đó, môn Tiếng Anh thể hiện sự tiến bộ vượt bậc cả về chất lượng phổ điểm lẫn chuẩn đầu ra, khi đề thi được điều chỉnh từ mức A2 lên B1, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh phổ thông.
GS Đức cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đạt được 2 mục tiêu quan trọng: Đảm bảo độ phân hóa cần thiết phục vụ tuyển sinh đại học và phản ánh chính xác chất lượng giáo dục phổ thông. Việc phân tích phổ điểm theo từng địa phương đã cho thấy cái nhìn rõ nét về mức độ phát triển giáo dục tại các tỉnh, giúp cơ quan quản lý có cơ sở điều chỉnh chính sách phù hợp, hướng đến sự cân bằng và hiệu quả hơn trong toàn hệ thống.
Anh Lê
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/bo-giao-duc-va-dao-tao-diem-thi-tot-nghiep-thpt-2025-khong-gay-soc-post187587.html