Còn nhiều ý kiến về chỉ tiêu tuyển sinh sớm
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tham gia xét tuyển đại học. Vì vậy, việc đổi mới quy chế tuyển sinh nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở cấp trung học phổ thông, đặc biệt là lớp 12.
Trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều trong quy chế tuyển sinh đại học, Bộ GD&ĐT dự kiến dành 20% chỉ tiêu tuyển sinh sớm, nhưng các cơ sở giáo dục đại học vẫn có những ý kiến khác nhau.
GS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) lý giải các thắc mắc của dư luận về một số điều trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều trong quy chế tuyển sinh đại học
Có ý kiến cho rằng, nguồn thu chủ yếu của nhiều trường đến từ tuyển sinh, nên phương thức tuyển sinh sớm được coi trọng để trường sớm có đủ số lượng người học. Trao đổi về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, việc giảm quy mô xét tuyển sớm không gây khó khăn, mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh.
Trước hết, nếu tuyển sinh sớm, các em học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12 đã phải vất vả nộp hồ sơ nhiều nơi, không yên tâm học tập. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT đã có một hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung với đầy đủ cơ sở dữ liệu, quy trình trực tuyến hoàn thoàn thuận lợi cho cả thí sinh và các trường.
Thêm vào đó, xét tuyển sớm hay chỉ xét tuyển trong đợt chung thì tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển cũng không thay đổi, do đó, các trường không phải vất vả chạy đua xét tuyển sớm.
"Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận khách quan việc tuyển sinh sớm (mới phổ biến từ khoảng 5 - 6 năm trở lại đây) để có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm những bất cập phát sinh từ đó", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.
Bên cạnh những trường vẫn muốn tuyển sinh sớm, cũng có thông tin một số cơ sở giáo dục đại học lại mong muốn bỏ hẳn hình thức xét tuyển sớm để đảm bảo tính công bằng và nhất quán trong công tác tuyển sinh.
Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ hẳn tuyển sinh sớm
Trước thực tế nêu trên, Bộ GD&ĐT dự kiến có thể bỏ xét tuyển sớm. Chỉ tiêu cho xét tuyển sớm sẽ chỉ dành cho những học sinh có thành tích vượt trội, xuất sắc, có các giải thưởng quan trọng trong nước và quốc tế. Còn lại đa số thí sinh đều tham gia vào đợt xét tuyển chung theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, giai đoạn trước đây, các trường đại học thường dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, trong khi đó chưa có những phân tích, căn cứ và minh chứng khoa học để đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành đào tạo.
Giai đoạn vừa qua, Bộ GD&ĐT ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non và đã nhận được rất nhiều ý kiến về vấn đề xét tuyển sớm. Hầu hết chuyên gia đều cho rằng không nên tổ chức xét tuyển sớm, bởi tất cả nguyện vọng của thí sinh cuối cùng vẫn phải nhập lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất, cao nhất có thể trong năng lực của mình, dù tham gia xét tuyển sớm hay không.
Xét tuyển sớm mang đến gánh nặng về nguồn lực đối với các nhà trường, đồng thời cũng là gánh nặng đối với thí sinh khi các em phải nộp hồ sơ rất vất vả ở nhiều trường khác nhau để tăng cơ hội, dù cơ hội đó vẫn được dành cho các em ngay trong đợt xét tuyển chung, khi được đặt số lượng nguyện vọng không giới hạn.
“Trong dự thảo, chúng tôi đang quy định việc xét tuyển sớm sẽ giới hạn chỉ tiêu khoảng 20%. Tuy nhiên, khi tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, chúng tôi dự kiến có thể không cần xét tuyển sớm nữa. Chỉ tiêu cho xét tuyển sớm sẽ rất ít, dành cho những bạn học sinh có thành tích vượt trội, xuất sắc, có các giải thưởng quan trọng trong nước và quốc tế. Đây là đối tượng vượt trội, là lực lượng tài năng rất đặc biệt mà các trường đại học cần thu hút. Còn lại đa số thí sinh đều tham gia vào đợt xét tuyển chung theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
Xét tuyển sớm hay xét tuyển theo kế hoạch chung (tức là sau khi thí sinh tốt nghiệp THPT) chỉ có một điểm khác biệt. Đó là nếu xét tuyển sớm, thí sinh không sử dụng được điểm thi tốt nghiệp, còn khi xét tuyển theo kế hoạch chung thì tất cả phương thức xét tuyển, tất cả dữ liệu mà các em đã có từ học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi từ các kỳ thi năng khiếu, kỳ thi độc lập của các trường, các chứng chỉ quốc tế... đều được áp dụng.
Do đó, thực tế ở kỳ xét tuyển sớm, thí sinh được sử dụng ít phương thức xét tuyển hơn. Nếu không có xét tuyển sớm thì về mặt thời gian, thí sinh cũng vẫn phải đăng ký trong đợt xét tuyển chung.
“Như vậy để tránh cho các em phải đăng ký xét tuyển tới 2 lần, có lẽ quy chế sẽ không cần đến việc xét tuyển sớm”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, việc đăng ký xét tuyển đại học năm 2025 vẫn được thực hiện như mọi năm, thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng mà các em muốn dự tuyển lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung sau khi thi tốt nghiệp THPT. Lúc này, trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT đã có đầy đủ thông tin của các em để có thể xét tuyển ở tất cả phương thức.
Những trường hợp đặc biệt, có giải quốc tế, quốc gia, trường hợp được xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT có thể ứng tuyển trước vào các trường. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ rất nhỏ, dành cho những thí sinh thực sự tài năng.
Hưng Anh