Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để công tác quản lý dạy thêm, học thêm hiệu quả, ngoài những đổi mới về quản lý còn cần sự thay đổi trong nhận thức của cả xã hội. Ảnh minh họa: T.N
Theo nội dung Công văn, thực hiện Công điện số 10/CĐ-TTg, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản chỉ đạo, thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 6 tỉnh.
Ngày 28/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá công tác quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 và công tác tuyển sinh đầu cấp, tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Tuy nhiên, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian báo cáo tình hình triển khai thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT. Cụ thể có 7 tỉnh gửi báo cáo muộn so với quy định (gồm: Quảng Ninh, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Một số địa phương còn lúng túng trong triển khai do chưa ban hành văn bản quy định về quản lý dạy thêm, học thêm theo thẩm quyền.
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giáo dục và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, tăng cường chỉ đạo thực hiện những nội dung nêu trên, kịp thời báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định chi tiết về dạy thêm, học thêm. Thông tư này được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Giáo dục 2019, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương và đảm bảo tính đồng bộ với Chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên mới.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để công tác quản lý dạy thêm, học thêm hiệu quả, ngoài những đổi mới về quản lý còn cần sự thay đổi trong nhận thức của cả xã hội. Vì thế, cần nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm, như: giải pháp hành chính, giải pháp chuyên môn, giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, trường học, giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra; giải pháp tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của giáo viên để nói “không” với dạy thêm không đúng với quy định. Ngoài ra, một điều quan trọng nữa là chính sách để bảo đảm đời sống cho nhà giáo.
Mây Hạ