Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: VGP.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1 diễn ra chiều 5/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã có thông tin về những giải pháp cụ thể của Chính phủ đặt ra nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 8% trở lên.
Cụ thể, Thứ trưởng Phương cho biết Nghị quyết trước đó của Quốc hội đã giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%. Tuy nhiên, Trung ương sau đó đã thống nhất điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 phải đạt 8% trở lên để bù đắp cho mức tăng trưởng thấp của các năm trước, từ đó đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của cả giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, mức tăng GDP 8% năm nay cũng nhằm tạo nền tảng cho Việt Nam bước vào giai đoạn mới, kỷ nguyên đạt mục tiêu tăng trưởng liên tục trong nhiều năm với mức cao 2 con số.
“Đây là nhiệm vụ rất nặng nề và thách thức, nhưng cũng phù hợp với mục tiêu mà Việt Nam hướng tới là phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045”, Thứ trưởng Bộ KHĐT nhấn mạnh.
Giao các địa phương tăng trưởng ít nhất 8%
Để đạt mục tiêu này, lãnh đạo Bộ KHĐT cho biết Bộ đã chuẩn bị các nội dung cần thiết, bao gồm tờ trình Chính phủ để trình Quốc hội điều chỉnh một số chỉ tiêu tại Nghị quyết 153, tương ứng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế hơn 8%, đặc biệt là một số cân đối liên quan đầu tư, ngân sách, lạm phát...
Bên cạnh đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 5/2, Bộ KHĐT đã xin ý kiến các thành viên Chính phủ để triển khai một Nghị quyết riêng, trong đó nội dung chính là cụ thể hóa nhiệm vụ tăng trưởng 8% năm nay. Theo đó, Chính phủ sẽ giao mục tiêu tăng trưởng về từng địa phương, cũng như giao một số chỉ tiêu chính về các bộ, ngành của Trung ương.
“Hiện Bộ KHĐT đã đề xuất các địa phương phải đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng từ 8% trở lên”, Thứ trưởng Phương thông tin.
Về giải pháp cụ thể, Thứ trưởng KHĐT cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, coi đây là một nguồn lực phát triển, đồng thời tích cực tháo gỡ các điểm nghẽn về mặt thể chế đối với các dự án gặp vướng mắc, sớm khơi thông các nguồn lực lâu nay tắc nghẽn để đưa vào nền kinh tế.
Về phía cầu, lãnh đạo Bộ KHĐT cho rằng cần tăng cường đầu tư, trong đó Chính phủ coi đầu tư là động lực rất quan trọng, tác động ngay tới tăng trưởng của nền kinh tế. Bao gồm cả đầu tư công, đầu tư từ doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư từ nhóm doanh nghiệp tư nhân (bao gồm FDI).
“Phiên họp sáng nay, Thủ tướng đã chỉ đạo tiết kiệm chi thường xuyên, giảm các khoản chi không cần thiết và phấn đấu tỷ trọng chi thường xuyên dưới 60% ngân sách để dành vốn cho đầu tư”, ông Trần Quốc Phương nói.
Đồng thời, Chính phủ đặt mục tiêu sớm triển khai các dự án hạ tầng lớn, bao gồm dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối quốc tế, cùng các dự án đường cao tốc trong nước.
Về đầu tư trong doanh nghiệp Nhà nước, Thứ trưởng Phương cho biết các doanh nghiệp Nhà nước sắp tới cũng phải sắp xếp để tạo không gian phát triển, từ đó thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, “đầu đàn”, cần có các dự án lớn, có sự lan tỏa trong năm 2025.
Về đầu tư tư nhân (bao gồm cả FDI), năm 2024, vốn FDI vào Việt Nam tương đối tốt, cần phát huy năm 2025, trong đó có 2 điểm nhấn để thu hút vốn FDI là tháo gỡ vướng mắc thể chế pháp luật và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Để thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân, bên cạnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để gia tăng doanh nghiệp thành lập mới, cần kết hợp với giải pháp mang tính vĩ mô, tháo gỡ, khơi thông các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, tín dụng, đảm bảo cung cấp đủ vốn cho doanh nghiệp trong nước đầu tư.
Chuẩn bị phương án ứng phó trước rủi ro thương mại toàn cầu
Với xuất khẩu, Bộ KHĐT đã báo cáo Thủ tướng các động lực để tăng cường xuất khẩu, Thủ tướng đã chỉ đạo xuất khẩu năm 2025 có thể gặp một số thách thức liên quan các chính sách bảo hộ, thuế quan của Mỹ - một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đồng thời chuẩn bị kỹ trước nguy cơ thương mại thế giới có các cuộc áp thuế trả đũa lẫn nhau.
Yêu cầu đặt ra cần phân tích tình hình để có phương án chuẩn bị kỹ lưỡng hạn chế ảnh hưởng. Đồng thời, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại FTA Việt Nam đã ký kết, khai thác hiệp định thương mại mới với các khu vực như Trung Đông, Nam Mỹ, mở rộng thêm thị trường mới. Trong đó, cần đảm bảo tính kết nối đầu ra - đầu vào, đảm bảo sản xuất trong nước phải có đầu ra.
Ngoài ra, tiêu dùng, sản xuất kinh doanh, dịch vụ... cũng được Chính phủ đặt mục tiêu phát triển để làm động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, người phát ngôn của Chính phủ. Ảnh: VGP.
Chia sẻ thêm về động lực đầu tư năm 2025, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết vốn đầu tư công năm nay dự kiến lên tới gần 1 triệu tỷ đồng, bao gồm phần tăng thu ngân sách năm 2024 và các năm trước, nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 10%, dự kiến tập trung cho các dự án hạ tầng lớn như đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, cùng các dự án hạ tầng giao thông lớn.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước hiện có khoảng 2,4-2,6 triệu tỷ đồng, các cơ chế chính sách vướng mắc sẽ được tháo gỡ để tận dụng tối đa nguồn lực của các doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân.
“Riêng 154 dự án năng lượng tái tạo với tổng mức đầu tư trên 13 tỷ USD, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo tháo gỡ để đưa vào nền kinh tế. Tới đây sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án do kiểm tra, thanh tra, tòa án”, người phát ngôn của Chính phủ cho biết.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh Chính phủ đang yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, báo cáo tổng hợp, tiếp tục đề xuất phương án tháo gỡ các dự án trên địa bàn.
Quang Thắng