Bộ KH&ĐT đề xuất giao chỉ tiêu tăng trưởng cho từng địa phương năm 2025

Bộ KH&ĐT đề xuất giao chỉ tiêu tăng trưởng cho từng địa phương năm 2025
5 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương. Ảnh: VGP
Chiều 5/2, tại buổi họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chia sẻ những giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị các nội dung, hồ sơ cần thiết để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường sắp tới, điều chỉnh một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, đề xuất giao chỉ tiêu tăng trưởng này một cách cụ thể đến từng địa phương, phấn đấu từ 8% trở lên, để đóng góp vào mức chung của cả nước.
Đẩy mạnh các giải pháp thu hút vốn đầu tư
Về các giải pháp cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm. Trước hết, hoàn thiện thể chế pháp luật, cần bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương và Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định thể chế là một nguồn lực quan trọng cho phát triển và được coi là đột phá của đột phá. Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế pháp luật trong năm 2025 vẫn là một yêu cầu cấp thiết.
Về các giải pháp từ phía cầu, cần tập trung vào một số nhiệm vụ chính, trong đó đẩy mạnh đầu tư là ưu tiên hàng đầu. Đầu tư từ lâu đã được xác định là động lực quan trọng, có tác động ngay lập tức đến tăng trưởng kinh tế. Trong đó, một số lĩnh vực trọng tâm cần tập trung bao gồm:
Thứ nhất, với đầu tư công, cần tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đảm bảo các dự án được triển khai nhanh chóng, đúng tiến độ và mang lại giá trị thực tiễn. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, phấn đấu đưa tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 60% ngân sách Nhà nước, nhằm dành nhiều nguồn lực hơn cho đầu tư phát triển.
Đặc biệt, triển khai sớm một số dự án quan trọng. Một trong những dự án tiêu biểu là tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, kết nối quốc tế và khu vực phía bắc. Cụ thể, sẽ tập trung vào tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng nhằm tạo trục giao thông huyết mạch kết nối với các tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trong nước cũng như quốc tế. Tiếp theo là các tuyến Hà Nội – Lạng Sơn và Hải Phòng – Quảng Ninh – Móng Cái sẽ được xem xét triển khai, nhằm nâng cao khả năng liên kết vùng và thúc đẩy giao thương.
Ngoài ra, cần chuẩn bị sẵn các dự án trọng điểm khác, đảm bảo tính sẵn sàng để gia tăng quy mô đầu tư công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện hệ thống hạ tầng chiến lược của đất nước.
Thứ hai, đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước. Trong bối cảnh triển khai Nghị quyết 18 của Trung ương, việc sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đang được đẩy mạnh, tạo ra không gian và cơ hội phát triển mới cho khu vực này.
"Trong thời gian tới, doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu đàn, doanh nghiệp dẫn dắt, cần chủ động thực hiện những dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025," Thứ trưởng nêu vấn đề.
Thứ ba, đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2025, cần tiếp tục phát huy đà tăng trưởng nguồn vốn FDI này. Trong đó tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thể chế và pháp luật, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi hơn để tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Đồng thời, triển khai ngay một số chính sách quan trọng mà Quốc hội đã thông qua, đặc biệt là chính sách "luồng xanh" nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.
Với việc thu hút đầu tư từ khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước, trong năm 2025, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để gia tăng số lượng doanh nghiệp mới, cần đồng thời triển khai các giải pháp mang tính vĩ mô, giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tháo gỡ vướng mắc, khơi thông các thị trường quan trọng trong nước, bao gồm thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…
Với xuất khẩu, trong năm 2025 có thể đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là từ các chính sách bảo hộ thương mại và chính sách thuế của Hoa Kỳ, một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Do đó, cần phải phân tích kỹ tình hình, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, khơi thông các thị trường mới. Đồng thời, đảm bảo kết cấu giữa đầu vào, đầu ra.
Đối với tiêu dùng trong nước, tiếp tục đẩy mạnh tiêu dùng trong cả năm 2025 dựa trên sự tăng trưởng tốt ở tháng đầu năm; khuyến khích, tạo điều kiện cho các sự án công nghiệp sản xuất kinh doanh, góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng; tập trung nhiều các giải pháp nhằm thu hút du lịch, dịch vụ. Nghiên cứu, bổ sung thêm giải pháp thu hút du khách quốc tế thông qua các chính sách như thị thực, visa.
Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, hiện nay Việt Nam đang có vị thế rất tốt trong bản đổ công nghệ thế giới, đây là một động lực tốt để tạo ra bước ngoặt trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, lĩnh vực giữ vai trò là nguồn lực mới, tiềm năng tạo ra đột phá hướng đến tăng trưởng 2 con số.
KIỀU CHINH
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/bo-khdt-de-xuat-giao-chi-tieu-tang-truong-cho-tung-dia-phuong-nam-2025-38016.html