Bộ lạc thổ dân đi kiện vì bị vu oan là nghiện phim khiêu dâm

Bộ lạc thổ dân đi kiện vì bị vu oan là nghiện phim khiêu dâm
một ngày trướcBài gốc
Người Marubo tại Brazil sống trong những túp lều cộng đồng nằm rải rác dọc theo sông Itúi sâu trong rừng nhiệt đới Amazon. Trước tháng 8/2023, họ sống vẫn sống tách biệt với thế giới, nói ngôn ngữ riêng của mình, gìn giữ các tập tục để kết nối với thần linh, bẫy khỉ để nấu súp hoặc nuôi làm thú cưng.
Đến tháng 9/2023, người Marubo đã được kết nối internet tốc độ cao. Cuộc sống của 2.000 người trong bộ lạc nhanh chóng thay đổi nhờ dịch vụ internet vệ tinh Starlink của công ty vũ trụ SpaceX, thuộc sở hữu của vị tỷ phú người Mỹ Elon Musk.
Tháng 6/2024, 9 tháng sau khi internet tốc độ cao đến với vùng đất biệt lập này, tờ New York Times của Mỹ đưa phóng viên đến bộ lạc Marubo để ghi nhận sự thay đổi. Họ mô tả cuộc sống của người Marubo đã hoàn toàn khác sau khi được kết nối với thế giới.
Bài báo của New York Times viết rằng thanh niên tại đây dán mắt vào điện thoại, nghiện mạng xã hội, trò chuyện tán gẫu với người lạ suốt cả ngày; các thiếu niên thì nghiện trò chơi điện tử bạo lực và phim khiêu dâm.
Tác giả còn nhấn mạnh rằng những người trẻ tuổi tại bộ lạc đang dần trở nên lười biếng. Họ không còn hứng thú với việc làm thuốc nhuộm bằng quả dại bản địa hay chế tác đồ trang sức từ những vỏ sò.
Bộ lạc người Marubo lần đầu tiên được tiếp xúc với internet tốc độ cao vào năm 2023. (Nguồn: NAVI Global)
Người Marubo sau khi được cung cấp dịch vụ kết nối internet vệ tinh của Starlink. (Ảnh: New York Times)
Ngày 22/5/2025, bộ lạc này đệ đơn tới Tòa án Los Angeles, Mỹ, kiện tờ New York Times tội phỉ báng tại. Họ khẳng định những câu chuyện về bộ lạc bị phóng đại để tăng thêm phần giật gân. Những người Marubo đòi khoản bồi thường thiệt hại lên tới 179,6 triệu USD (khoảng 4.654 tỷ đồng).
Trong đơn kiện, đại diện của bộ lạc tuyên bố rằng bài báo không chỉ mang tính kích động mà còn truyền đạt sai khiến người đọc hiểu lầm người Marubo đang sa sút về mặt đạo đức xã hội do hậu quả trực tiếp của việc tiếp cận internet. Họ cảm thấy bị xúc phạm khi phóng viên mô tả người dân thiếu kỷ luật khi sống trong thế giới hiện đại.
Thực tế, mạng internet tốc độ cao của Starlink mang lại những lợi ích to lớn cho bộ lạc. Hiện nay, người Marubo có điều kiện để gọi cứu trợ sớm trong trường hợp khẩn cấp. Trực thăng y tế dễ dàng đến nơi chỉ trong vài giờ nhờ định vị, thay vì mất nhiều ngày như trước.
Bên cạnh đó, họ cũng dễ dàng kết nối với người ở xa hơn, điều này đem lại lợi ích to lớn về mặt tinh thần và kinh tế. Theo đại diện của bộ lạc, nhiều điểm mà bài báo đưa ra chưa đúng với thực tế cuộc sống của người dân tại đây.
Sau khi có thông tin vụ kiện, một phát ngôn viên của tờ New York Times cho biết: "Bài báo chỉ mô tả cuộc khám phá về những lợi ích và sự phức tạp của công nghệ tại ngôi làng xa xôi của người bản địa chứ không có ý phỉ báng. Bộ lạc này có lịch sử đáng tự hào và nền văn hóa nên được bảo tồn, gìn giữ. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện này đến cùng".
Hoàng Hà (Nguồn: Mirror, New York Times)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/bo-lac-tho-dan-di-kien-vi-bi-vu-oan-la-nghien-phim-khieu-dam-ar945537.html