Sau khi được sắp xếp, tổng số lượng cơ quan chuyên môn của UBND thành phố Hà Nội có 15 sở, giảm 6 sở và giảm một tổ chức hành chính khác. Trong đó, có 10 sở hợp nhất thành 5 sở mới; một sở mới được hình thành trên cơ sở hợp nhất hai ban và có hai ban hợp nhất thành một ban.
Ông Nguyễn Xuân Lưu là Giám đốc Sở Tài chính
Ông Nguyễn Hồng Sơn làm Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
Ông Nguyễn Phi Thường làm Giám đốc Sở Xây dựng sau hợp nhất
Ông Vũ Xuân Hùng làm Trưởng Ban quản lý Khu CNC và Khu Công nghiệp thành phố
Ông Nguyễn Nguyên Quân làm Phó Giám đốc phụ trách Sở Dân tộc và Tôn giáo
Ông Trần Đình Cảnh làm Giám đốc Sở Nội vụ
Ông Nguyễn Xuân Đại làm Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường
Cụ thể các đơn vị mới như sau:
1. Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính để thành lập Sở Tài chính:
- Giám đốc: Nguyễn Xuân Lưu
2. Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thành lập Sở Nông nghiệp và Môi trường:
- Giám đốc: Nguyễn Xuân Đại
3. Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ để thành lập Sở Khoa học và Công nghệ:
- Giám đốc: Nguyễn Hồng Sơn
4. Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ để thành lập Sở Nội vụ:
- Giám đốc: Trần Đình Cảnh
5. Hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải để thành lập Sở Xây dựng:
- Giám đốc: Nguyễn Phi Thường
6. Thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc thành phố tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ:
- Phó Giám đốc phụ trách: Nguyễn Nguyên Quân
7. Hợp nhất Ban Quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất và Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc để thành lập Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố:
- Trưởng ban: Vũ Xuân Hùng
8. Sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND thành phố:
- Chánh Văn phòng: Trương Việt Dũng.
Như vậy, sau sắp xếp, Hà Nội có 15 sở đảm bảo theo quy định gồm: Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Thanh tra thành phố, Văn phòng UBND thành phố, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Du lịch và Sở Quy hoạch Kiến trúc.
Ngoài ra, có một cơ quan tương đương sở là Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố, giảm một đơn vị, đạt tỷ lệ 50%. Riêng Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố đang thực hiện thí điểm theo quy định của Trung ương.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh chia sẻ với các đồng chí mới được điều động, bổ nhiệm, chúc nhiều sức khỏe, bản lĩnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025 và các năm tiếp theo. Chủ tịch bày tỏ tri ân và ghi nhận đóng góp vô cùng to lớn của các ngành, đơn vị, các đồng chí cán bộ đóng góp thành tích quan trọng vào phát triển Thủ đô vừa thực hiện hợp nhất, sáp nhập.
Chủ tịch cũng gửi lời chia sẻ và cảm ơn với những cán bộ đã chấp nhận sự thiệt thòi, hy sinh lợi ích cá nhân vì cuộc cách mang tinh giản của Đảng và Nhà nước, của Thủ đô Hà Nội. Nhận định sẽ còn nhiều tâm tư của cán bộ, tuy nhiên đồng chí Trần Sỹ Thanh khẳng định, trong xu hướng đi lên của đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới, phải tự thay đổi để có bộ máy lớn mạnh hơn trong thực thi các nhiệm vụ mới.
Theo Chủ tịch UBND thành phố, việc thành lập, tổ chức lại 08 cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND thành phố Hà Nội được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo theo đúng định hướng của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Chính phủ và đã được xin ý kiến Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và thực hiện các quy trình theo quy định. Tên gọi thực hiện theo định hướng tên gọi các Bộ, ngành của Trung ương tương ứng, trong đó tên gọi các phòng ngắn gọn, phản ánh được nội hàm chính về chức năng, nhiệm vụ.
Về cơ cấu tổ chức cũng đã thực hiện hợp nhất, sáp nhập các phòng trùng lắp chức năng, nhiệm vụ như Văn phòng, Tổ chức - Cán bộ, Thanh tra, Kế hoạch - Tài chính; đồng thời, thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ các phòng chuyên môn trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng để sắp sếp theo nguyên tắc không bỏ sót, không trùng lặp, giao thoa chức năng, nhiệm vụ; thực hiện phòng quản lý đa nhiệm vụ, đa lĩnh vực và đảm bảo điều kiện, tiêu chí thành lập phòng theo quy định. Các cơ quan sau sắp xếp đã đảm bảo giảm trên 15% các đầu mối bên trong theo định hướng của Trung ương.
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội gồm:
Trực tiếp quản lý, điều hành các sở là UBND thành phố Hà Nội. Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội gồm: Người đứng đầu là Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; 5 Phó Chủ tịch bao gồm:
- Phó Chủ tịch Thường trực Lê Hồng Sơn;
- Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn;
- Phó Chủ tịch Nguyễn Trọng Đông;
- Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền;
- Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà.
2025 là năm Thủ đô Hà Nội phải "chạy nước rút" để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra của nhiệm kỳ và các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ Hà Nội khóa XII đã đặt ra. Năm nay, thành phố đặt ra nhiệm vụ bám sát kế hoạch tiến độ, giải ngân từng tuần, từng tháng, từng dự án ngay từ đầu năm; phấn đấu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt trên 95% (Tổng kế hoạch vốn năm 2025 của thành phố là 87 nghìn tỷ đồng).
Đặc biệt, thành phố tập trung chỉ đạo những dự án lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho vùng, khu vực như: Dự án đường Vành đai 4; Tuyến đường sắt đô thị số 2; Tuyến đường sắt đô thị số 5; Dự án cầu Tứ Liên, cầu Thượng Cát...
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai. Trong đó, đã rà soát, xử lý 420/712 dự án chậm triển khai, với tổng diện tích hơn 9.000 ha, ước tính hơn 15 nghìn tỷ đồng quy đổi giá trị về đất được đưa vào thị trường.
Năm 2024, lần đầu tiên thành phố đạt thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng – tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Đài Hà Nội