Lãnh đạo phường Yên Nghĩa kiểm tra hoạt động tại Điểm phục vụ hành chính công trong những ngày đầu bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động. Ảnh: MT
Sau một tuần vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, điều khiến người dân hài lòng là thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Cấp xã hiện là đơn vị giải quyết trực tiếp phần lớn các thủ tục hành chính của nhân dân. Điều này giúp người dân thấy chính quyền gần dân hơn và tăng tính trách nhiệm trước nhân dân.
Sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ các thủ tục hành chính từ cấp tỉnh, huyện về cấp xã đã giúp người dân nhìn thấy rõ một điểm đến, một cấp làm và một cấp phải chịu trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân. Mô hình chính quyền này đã nâng tính chủ động cho cấp xã và để thích nghi, cán bộ cấp xã cũng bắt đầu chuyển mình theo hướng đổi mới cách nghĩ, cách làm và cách phục vụ.
Tại các điểm phục vụ hành chính công cấp xã những ngày qua được bố trí thêm lực lượng hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến, tư vấn pháp lý... Đây là sự chủ động, linh hoạt từ sớm, cần thiết của cơ quan chức năng, nhằm bảo đảm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được tốt nhất. Sự vận dụng này được nhân dân tin tưởng, đánh giá cao trong bối cảnh bộ máy hành chính “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Chính quyền cấp xã tăng quy mô cũng đồng thời phải đối mặt với thử thách trong công tác quản lý nhà nước. Theo đó, hàng loạt vấn đề chưa có tiền lệ mà chính quyền cấp xã mới sẽ phải xắn tay vào làm cũng như cùng lúc phải giải quyết dứt điểm các vi phạm, tồn tại cũ.
Thực tế, ngay trong những ngày qua, một số địa phương tại Hà Nội đã quyết liệt giải quyết các điểm “nóng”, vấn đề phức tạp liên quan đến vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, triển khai công tác giải phóng mặt bằng như: Xã Phú Xuyên, phường Phương Liệt, xã Quốc Oai... Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đã không bị bỏ trống; bản lĩnh, trách nhiệm của người đứng đầu ngày càng thể hiện rõ nét hơn...
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gần dân hơn, trách nhiệm hơn trước nhân dân. Ảnh chụp tại Điểm phục vụ hành chính công phường Hà Đông. Ảnh: PV
Dấu mốc chính quyền hành chính mới đi vào hoạt động chính thức không chỉ là mới về tổ chức, về con người, về mô hình, mà sâu xa hơn là phải đạt được những yêu cầu cao hơn, khó hơn về cả “chất” và “lượng”, làm động lực cho xã hội phát triển.
Theo đó, mỗi xã, phường phải tiếp tục khắc phục các khó khăn, vướng mắc để bộ máy hoạt động thông suốt. Phải nhận diện rõ những điểm nghẽn để ưu tiên giải quyết bằng những giải pháp thực chất nhất. Bộ máy mới đã hoạt động chính thức, vì thế, sẽ không còn “phép thử” nào cho quá trình vận hành. Do vậy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải chủ động tìm tòi, nghiên cứu, tìm “chìa khóa” để vận hành những quy trình mới mang lại hiệu quả cao, đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ nhân dân.
Đến thời điểm này, bộ máy của chính quyền địa phương 2 cấp đã hoàn thiện, đủ điều kiện hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Vì thế, cấp ủy, chính quyền cần phát huy tinh thần chủ động kiến tạo, linh hoạt trong công tác quản lý nhà nước; phải lắng nghe tiếng nói của người dân, doanh nghiệp; bám sát và hướng về cơ sở, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn một cách dứt điểm với kết quả cụ thể.
Chính quyền địa phương 2 cấp là sự khởi đầu cho một nền hành chính hiện đại, minh bạch nên đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số tiếp tục được đặt ra với yêu cầu cao hơn, tuyệt đối hơn trong các lĩnh vực. Cũng từ yêu cầu này mà việc đầu tư cơ sở hạ tầng về công nghệ, trang thiết bị làm việc và công tác tập huấn, đào tạo cán bộ cũng phải được thực hiện đồng bộ, bài bản hơn.
Theo phân cấp của Luật Tổ chức chính quyền địa phương vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ chín, cấp tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ chiến lược, liên vùng, trong khi cấp xã thực hiện chính sách và cung cấp dịch vụ công, là cấp gần gũi với người dân. Để tránh tình trạng cán bộ cấp xã lạm quyền, cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định pháp lý về cơ chế giám sát. Đồng thời, mỗi người dân cũng cần phát huy tinh thần làm chủ, đồng hành và có những đóng góp thiết thực để bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp thật sự hiệu quả, đáp ứng xu thế phát triển của Thủ đô và đất nước.
Minh Thúy