Người đàn ông 61 tuổi (ngụ ở TP.HCM) có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối, tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2, duy trì chạy thận nhân tạo 3 buổi/tuần vào các ngày thứ 3, 5, 7.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại một cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: PV
Tuy nhiên, vì lý do cá nhân, người bệnh đã bỏ buổi chạy thận vào ngày thứ 5. Tối thứ 6, trước ngày nhập viện, người bệnh xuất hiện tình trạng đi tiêu phân đen ồ ạt, kèm theo khó thở và đau bụng, phải nhập viện tại một cơ sở y tế địa phương. Sau đó, tình trạng trở nặng và người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) trong tình trạng bứt rứt, khó thở, nhịp tim chậm chỉ còn 25 lần/phút, huyết áp khó đo, độ bão hòa oxy trong máu 96%.
BSCK2 Trần Văn Sóng – Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết các bác sĩ nhận định bệnh nhân nguy cơ tăng kali máu nặng, nhất là khi người bệnh đã bỏ chạy thận trước đó.
“Chúng tôi tiến hành xử trí theo phác đồ điều trị tăng kali máu, nhịp tim nhanh chóng tăng từ 25 lên 40 lần/phút, huyết áp dần ổn định hơn. Sau đó, kết quả xét nghiệm máu cho thấy, kali máu lên đến 7.68mmol/L - một mức nguy hiểm có thể gây ngừng tim đột ngột. Người bệnh lập tức được chạy thận cấp cứu, sau 3 ngày điều trị tích cực, sức khỏe dần cải thiện và được xuất viện an toàn”, bác sĩ Sóng thông tin.
Theo bác sĩ Sóng, tăng kali máu là một trong những biến chứng nguy hiểm của suy thận mạn, có thể gây rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Sóng khuyến cáo, bệnh nhân chạy thận phải tuân thủ lịch chạy thận nghiêm ngặt, không tự ý bỏ buổi chạy thận; nhận diện sớm các dấu hiệu nguy hiểm của tăng kali máu như: nhịp tim chậm, mệt mỏi, yếu cơ... đến bệnh viện ngay khi có triệu chứng bất thường.
Gia đình hỗ trợ người bệnh trong việc duy trì chế độ ăn hợp lý, hạn chế thực phẩm giàu kali như các loại trái cây khô, chuối, cam, khoai tây, rau lang, rau muống, sầu riêng… Việc tuân thủ điều trị giúp người bệnh tránh khỏi những tình huống nguy kịch và bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.
Hồ Quang