Bộ ngành, địa phương cần phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện dự án đầu tư công

Bộ ngành, địa phương cần phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện dự án đầu tư công
3 giờ trướcBài gốc
Chiều ngày 19/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì cuộc họp trực tuyến của Tổ công tác số 5 kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Nhiều vướng mắc tác động đến tiến độ giải ngân đầu tư công
Tổ công tác số 5 có 7 bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương. Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến hết ngày 31/10, ngoài 2 cơ quan là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam không có kế hoạch vốn năm 2024 thì tỉ lệ giải ngân chung của 5 bộ, cơ quan Trung ương (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và tỉ lệ giải ngân của từng bộ, cơ quan đều thấp hơn tỉ lệ giải ngân chung của toàn quốc.
Về phía tỉnh, thành phố, đáng chú ý, nhóm địa phương có tỉ lệ giải ngân cao hơn hoặc tương đương mức giải ngân trung bình toàn quốc gồm: Long An (67%); Tiền Giang (73%); Bến Tre (54%); Trà Vinh (63%); An Giang (61%); Đồng Tháp (57%); Cà Mau (55%); Hậu Giang (52%); Sóc Trăng (52%).
Ở chiều ngược lại, một số tỉnh, thành phố có tỉ lệ giải ngân thấp hơn trung bình toàn quốc, như: Kiên Giang (30%); Bạc Liêu (42%); Cần Thơ (50%); Vĩnh Long (45%).
Quang cảnh cuộc họp.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT phân tích rõ những vướng mắc tác động đến tiến độ giải ngân đầu tư công. Trước hết, trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất còn khó khăn; sử dụng đất sai mục đích hoặc mua bán bằng giấy viết tay, lấn chiếm đất hành lang công trình công cộng; công tác xác định tính pháp lý hồ sơ thửa đất gặp khó khăn; người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư, còn thắc mắc, khiếu nại đơn giá bồi thường về đất; Luật Đất đai mới được ban hành, nhiều dự án phải tính toán lại chi phí GPMB theo quy định mới của Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, khó khăn về cung ứng nguồn cát xây dựng tại An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp Vĩnh Long dẫn đến giá thành cao hơn so với đơn giá lập dự toán. Một số nhà thầu triển khai thi công cầm chừng chờ đợi cập nhật, điều chỉnh chỉ số giá xây dựng phù hợp với đơn giá thị trường. Năng lực của chủ đầu tư và năng lực triển khai dự án còn hạn chế. Thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đấu thầu dự án vẫn có vướng mắc.
Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện dự án
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng, việc vận dụng cơ chế chính sách còn ở mức độ khác nhau giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, các ngành. Cùng văn bản pháp luật nhưng có địa phương làm tốt, có nơi thì không vận dụng được - đây chính là điểm cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, để áp dụng kịp thời, hiệu quả các quy định.
Các địa phương dự họp trực tuyến.
Nhấn mạnh thời gian từ nay đến hết năm 2024 không còn nhiều, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương tập trung, quyết liệt, chủ động thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, để đẩy mạnh hơn nữa thực hiện có hiệu quả việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện dự án để rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; chủ động rà soát, điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và còn thiếu vốn theo quy định.
Giao nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính chủ động tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai các quy định của pháp luật về đầu tư công. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi nội dung liên quan trong dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8…
Các bộ, cơ quan: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, tập trung tháo gỡ ngay các vướng mắc theo thẩm quyền, trường hợp cần thiết báo cáo cụ thể lãnh đạo Chính phủ phụ trách trong tháng 11/2024 để xử lý ngay, không để chậm trễ kéo dài.
UBND các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, đặc biệt các dự án quan trọng quốc gia; Tháo gỡ khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất, phục vụ các dự án; công bố giá các loại vật liệu xây dựng phổ biến trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật...
Quốc Trần
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/bo-nganh-dia-phuong-can-phan-cong-lanh-dao-chiu-trach-nhiem-theo-doi-tien-do-thuc-hien-du-an-dau-tu-cong-post322036.html