Bộ, ngành góp ý về sửa quy định số con tại Pháp lệnh dân số

Bộ, ngành góp ý về sửa quy định số con tại Pháp lệnh dân số
3 ngày trướcBài gốc
Nhiều bộ, ngành, cơ quan đã đóng góp ý kiến đối với hồ sơ (trong đó có tờ trình và dự thảo) Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số 2003, đã được đổi, bổ sung tại Pháp lệnh 2008.
Tập trung vào sửa đổi quy định về số con
Trước đó, Bộ Y tế đã lấy ý kiến xây dựng dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số.
Theo đó, dự thảo đề xuất quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản.
Hiện nay, theo quy định tại Pháp lệnh 08/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh dân số 2003, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định thời gian và khoảng cách sinh con; sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Như vậy, tại dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh dân số, Bộ Y tế đã đề xuất bỏ quy định về số con.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tờ trình sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh dân số của Bộ Y tế đã phản ánh đúng xu hướng chuyển đổi chính sách dân số theo hướng bảo đảm quyền con người và thích ứng với thực tiễn dân số mới.
Tuy nhiên, để tăng tính khả thi và rõ ràng trong thực thi, cần cụ thể hóa các khái niệm còn chung chung, đặc biệt là phần quy định “nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản”, cũng như liên kết chặt chẽ hơn giữa quyền của cá nhân và trách nhiệm hỗ trợ của Nhà nước.
Việc này không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng và Nhà nước mà còn phù hợp với cam kết quốc tế về quyền con người.
Phản hồi lại nội dung trên, Bộ Y tế cho biết Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn 13421-CV/VPTW ngày 17-2-2025 về việc thực hiện sơ kết Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới và sửa đổi các quy định của Đảng và nhà nước liên quan đến chính sách dân số, trong đó giao Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Dân số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong năm 2025.
Trước mắt, khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật có quy định về số con (nhất là Pháp lệnh 06/2003/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh 08/2008/PL-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), hoàn thành trong Quý I/2025.
Do vậy, Pháp lệnh sửa đổi tập trung vào việc sửa đổi quy định về số con, các vấn đề liên quan sẽ tiếp thu trong quá trình soạn thảo chi tiết Luật Dân số.
Bộ Y tế đề xuất sửa đổi quy định về số con tại Pháp lệnh dân số. Ảnh minh họa: TT
Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng có góp ý đối với hồ sơ xây dựng Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh dân số của Bộ Y tế.
Theo đó, cơ quan này đề xuất nghiên cứu bổ sung nội dung “bình đẳng giới” trong phần mục đích xây dựng pháp lệnh. Bởi, việc đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trong thực hiện pháp lệnh là cần thiết vì nguyên tắc này tạo điều kiện cho cả nam và nữ tham gia vào các quyết định liên quan đến sinh sản và nuôi dưỡng con cái, góp phần kiểm soát quy mô, hạn chế lựa chọn giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số.
Về khó khăn, tồn tại, bất cập liên quan đến công tác dân số, thực trạng dân số Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị bổ sung đánh giá về sự khác biệt giữa các tỉnh/thành phố, giữa các vùng miền, nông thôn và thành thị… để thấy được sự bất cân đối về mức sinh, từ đó thấy được sự cần thiết phải điều chỉnh Pháp lệnh dân số để giải quyết những vấn đề bất cập này.
Việt Nam hiện có 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế (chiếm 19% dân số cả nước). Có 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, chủ yếu tập trung ở khu vực Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (chiếm 42% dân số cả nước).
21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 39% tổng dân số).
Khu vực kinh tế - xã hội khó khăn có mức sinh cao, như trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với trung bình 2,43 con/phụ nữ, trong đó Yên Bái và Kon Tum đạt mức sinh cao nhất với 2,74 con/phụ nữ.
Trong khi đó, khu vực đô thị và khu vực kinh tế - xã hội phát triển có mức sinh rất thấp, như Đông Nam Bộ với 1,56 con/phụ nữ, đặc biệt TP.HCM chỉ đạt 1,39 con/phụ nữ - thấp xa so với mức sinh thay thế (2,1 con).
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đề xuất bổ sung vào dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh dân số nội dung về "đảm bảo quyền như nhau của vợ, chồng trong việc quyết định về số con và khoảng cách giữa các lần sinh, quyền được tiếp cận những thông tin, giáo dục và các phương tiện cho phép họ thực hiện các quyền này”.
Đề xuất này nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ, nhằm đảm bảo bình đẳng nam - nữ trong tất cả các vấn đề liên quan đến hôn nhân và quan hệ gia đình.
Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp thu ý kiến góp ý trên, nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; xử lý vi phạm khác... có liên quan đến vấn đề sinh con thứ 3 trở lên để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì cho rằng vấn đề tồn tại, bất cập liên quan đến công tác dân số hiện nay không chỉ nằm ở quy định về số con, quyền và nghĩa vụ của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản... mà còn nhiều vướng mắc, bất cập về chính sách ưu tiên, đối tượng ưu tiên, biện pháp thực hiện đối với số đối tượng đặc thù trong sử dụng các dịch vụ dân số; chính sách phân bố dân cư phù hợp để thúc đẩy sự phân bố dân cư, lao động giữa các vùng; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, gia đình trong việc nâng cao chất lượng dân số; quản lý nhà nước về dân số; chính sách đảm bảo thích ứng với già hóa dân số…
Do đó, để bảo đảm việc sửa đổi quy định tại Điều 10 Pháp lệnh dân số được toàn diện, đồng bộ, khả thi, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Bộ Y tế rà soát kỹ các quy định khác của Pháp lệnh có liên quan trực tiếp tới quy định, nội dung của Điều 10 Pháp lệnh để sửa đổi, bổ sung đồng thời.
Phản hồi các nội dung trên, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp thu ý kiến, rà soát các quy định liên quan để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Các cơ quan, đơn vị khác như Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam... cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh dân số của Bộ Y tế.
Từ 20-3, đảng viên sinh con thứ 3 không còn bị kỷ luật
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa có Hướng dẫn 15 có hiệu lực từ 20-3-2025 về sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn 05/2022 của cơ quan này về thực hiện một số điều tại Quy định 69/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Theo đó, Hướng dẫn 15 lược bỏ điểm 8 về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định chính sách dân số.
Đồng thời, Hướng dẫn 15 bổ sung quy định không xem xét xử lý đối với hành vi quy định tại Pháp lệnh dân số về việc "sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.
THANH THANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/bo-nganh-gop-y-ve-sua-quy-dinh-so-con-tai-phap-lenh-dan-so-post840922.html