Bỏ ngay room tín dụng được không?

Bỏ ngay room tín dụng được không?
2 ngày trướcBài gốc
Đủ điều kiện để thay đổi
Room tín dụng, hay hạn mức tín dụng là giới hạn số tiền mà một ngân hàng được phép cho vay trong một khoảng thời gian nhất định, do Ngân hàng Nhà nước quy định. Đây là một công cụ để kiểm soát lượng tiền được bơm ra thị trường thông qua hoạt động cho vay, nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính và kiềm chế lạm phát.
Để bỏ room tín dụng, các chuyên gia cho rằng, hệ thống ngân hàngphải điều hành và kiểm soát lãi suất một cách linh hoạt.
Năm 2011, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, tín dụng tăng trưởng nóng, lạm phát lên tới 18,13%, Ngân hàng Nhà nước quyết định áp hạn mức tín dụng (hay còn gọi là room tín dụng), giới hạn cho vay một số lĩnh vực cụ thể, để điều hành chính sách tiền tệ.
"Lúc đó, có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm khoảng 35%, thậm chí có năm lên đến 54%, đẩy nhiều tổ chức tín dụng vào nguy cơ mất khả năng thanh toán", ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nêu bối cảnh ban hành chính sách.
Sau 12 năm tái cơ cấu, sức khỏe hệ thống ngân hàng cơ bản đã ổn định. Thống kê cho thấy 90% ngân hàng hiện có tỷ lệ an toàn vốn trên 10%, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần lớn đạt tới 15%.
Các chuyên gia tài chính nhận định thị trường hiện đã có đủ công cụ để kiểm soát an toàn hoạt động ngân hàng, thay thế dần các biện pháp hành chính trước đây.
"Khi áp dụng hạn mức tín dụng, đó là quyết định đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tạo sự an toàn cho hệ thống. Mặc dù vậy, tôi cho rằng thời điểm này chúng ta đã có những điều kiện cần và đủ để thay đổi cách quản lý", ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nêu quan điểm.
Không nên duy trì quá lâu
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, room tín dụng chỉ nên được xem là công cụ hành chính mang tính tạm thời. Việc duy trì quá lâu sẽ làm sai lệch dòng chảy tín dụng, làm giảm tính thị trường và kìm hãm động lực cạnh tranh giữa các ngân hàng.
Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Khi ngân hàng chỉ cần "xin" room, thay vì phải cải thiện năng lực quản trị rủi ro để tăng trưởng bền vững, chính sách này có thể triệt tiêu động lực nâng cao chất lượng hoạt động của ngân hàng.
TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc bỏ room tín dụng là bước đi cần thiết, thể hiện sự chuyển đổi trong điều hành chính sách tiền tệ từ hành chính sang thị trường, minh bạch và hiện đại hơn.
Bỏ room tín dụng sẽ thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động cung ứng vốn, buộc những ngân hàng yếu kém phải tự đổi mới để tồn tại. Đối với doanh nghiệp và người dân, việc này góp phần giảm thiểu nguy cơ bị gián đoạn nguồn vốn bất ngờ, qua đó hỗ trợ quá trình phục hồi đầu tư và tiêu dùng trong nền kinh tế.
Hệ thống ngân hàng phải tăng năng lực điều hành
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết, việc gỡ bỏ biện pháp điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cần được tiến hành thận trọng trên cơ sở phải có giải pháp chính sách thay thế có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Nêu điều kiện cần và đủ, ông Phạm Chí Quang cho biết, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế khuyến nghị Việt Nam nếu bỏ room tín dụng thì cần đồng thời nâng cao năng lực điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là khả năng kiểm soát và điều hành lãi suất một cách chủ động và linh hoạt.
"Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này nhằm đảm bảo quá trình cải cách diễn ra một cách thận trọng, ổn định và phù hợp với bối cảnh trong nước cũng như quốc tế", ông Quang nói.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Hội đồng Thành viên Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), để dỡ bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại cần tăng cường năng lực tài chính, đặc biệt là nâng cao vốn tự có và vốn chủ sở hữu. Điều này nhằm đảm bảo rằng quy mô vốn chủ sở hữu phù hợp với tổng tín dụng cung ứng ra nền kinh tế, qua đó duy trì sự an toàn và bền vững trong hoạt động ngân hàng.
Cùng đó, các ngân hàng thương mại phải đảm bảo cơ cấu nguồn vốn hợp lý, kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, cũng như tăng cường năng lực quản trị rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm an toàn hoạt động.
Trong công điện mới đây (Công điện 104 ngày 6/7/2025), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tín dụng thông qua phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng.
Trên thực tế, từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Tiếp đó, năm 2025, Ngân hàng Nhà nước thông báo cho nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh... được chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Đến nay, chỉ còn các ngân hàng trong nước đang thực hiện kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2025 theo chỉ tiêu do Ngân hàng Nhà nước thông báo theo nguyên tắc dựa trên điểm xếp hạng của các ngân hàng này.
Đức Bình
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/bo-ngay-room-tin-dung-duoc-khong-192250722223601933.htm