Lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh và bà Yurie Mizukami trao quà cho các em học sinh
Hội thảo khởi động dự án được tổ chức tại huyện Mèo Vạc với sự tham gia của đại diện Tổ chức Plan International Nhật Bản và Việt Nam, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Hà Giang cùng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh đến từ vùng dự án. Đây được xem là bước khởi đầu quan trọng nhằm thúc đẩy giáo dục giới tính toàn diện và xây dựng môi trường học tập bình đẳng cho trẻ em dân tộc thiểu số.
Dự án được thực hiện tại 8 xã, gồm 4 xã của huyện Mèo Vạc (Cán Chu Phìn, Giàng Chu Phìn, Lũng Pù, Lũng Chinh) và 4 xã của huyện Yên Minh (Hữu Vinh, Sủng Thài, Mậu Long, Lao Và Chải) hướng tới đảm bảo môi trường học tập an toàn, bình đẳng cho trẻ em dân tộc thiểu số; đồng thời nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về quyền trẻ em, sức khỏe sinh sản và tình dục, phòng ngừa tảo hôn và bạo lực giới.
Bà Yurie Mizukami quản lý dự án phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, bà Yurie Mizukami (Nhật Bản), Quản lý Dự án “Vui đến trường” nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng mỗi đứa trẻ, dù sống ở đâu, cũng xứng đáng được học tập trong một môi trường an toàn và tôn trọng. Chúng tôi kỳ vọng dự án này sẽ mang lại thay đổi tích cực cho hàng ngàn học sinh, đặc biệt là trẻ em gái ở vùng cao”.
Trong năm đầu tiên (từ 31/3/2025 đến 30/3/2026), dự án cam kết nguồn vốn gần 3 tỷ đồng, tập trung triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ giáo dục và học sinh; đồng thời cải thiện điều kiện sinh hoạt nội trú, tạo môi trường học đường thân thiện, hòa nhập.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Ngô Mạnh Cường, phát biểu tại hội thảo cho rằng: “Đây là cơ hội quý báu để huyện Mèo Vạc tiếp tục củng cố chất lượng giáo dục, nhất là trong công tác bảo vệ quyền trẻ em và thúc đẩy bình đẳng giới. Chúng tôi cam kết phối hợp chặt chẽ để dự án triển khai hiệu quả và bền vững”.
Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sâu về những khó khăn trong giáo dục giới tính và tình dục toàn diện cho học sinh tiểu học và THCS; đề xuất giải pháp nâng cao kỹ năng sống, tự bảo vệ bản thân cho học sinh dân tộc thiểu số. Đặc biệt, học sinh đến từ các xã vùng dự án đã chia sẻ thẳng thắn về những mong muốn được học tập trong môi trường thân thiện, không phân biệt đối xử.
Dự án “Vui đến trường” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục, bình đẳng giới và quyền trẻ em tại vùng cao, góp phần hình thành một thế hệ trẻ tự tin, hiểu biết, có khả năng tự chủ trong cuộc sống.
Minh Huệ