Bộ Nội vụ: Đánh giá cán bộ bằng KPI để 'có vào, có ra, có lên, có xuống'

Bộ Nội vụ: Đánh giá cán bộ bằng KPI để 'có vào, có ra, có lên, có xuống'
6 giờ trướcBài gốc
Bộ Nội vụ đang đề xuất tất cả công chức đều được theo dõi và chấm điểm theo tháng, quý. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bộ Nội vụ đang xây dựng quy định theo dõi và chấm điểm cán bộ, công chức, viên chức hàng tháng, hàng quý để giúp phát hiện kịp thời những khó khăn trong công việc và điều chỉnh phù hợp. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho việc khen thưởng mà còn là cơ sở để sàng lọc và bố trí lại nhân sự, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong toàn bộ hệ thống chính quyền.
Chấm điểm cán bộ theo tháng
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định về đánh giá, xếp loại chất lượng công chức. Theo đó, việc đánh giá, xếp loại chất lượng công chức diễn ra xuyên suốt năm công tác.
Dự thảo quy định tất cả công chức đều được theo dõi và chấm điểm theo tháng, quý; riêng việc xếp loại hằng năm phải hoàn tất trước ngày 15/12 để kịp tổng hợp vào hồ sơ thi đua, khen thưởng. Trường hợp cơ quan, đơn vị có tính chất đặc thù chưa kết thúc năm tài chính hay nhiệm vụ kéo dài, thời hạn này có thể lùi tới ngày 15/1 của năm kế tiếp.
Một điểm mới đáng chú ý là cơ chế "chuyển tiếp" khi công chức luân chuyển vị trí. Dự thảo yêu cầu đơn vị cũ phải gửi toàn bộ kết quả đánh giá trong sáu tháng gần nhất cho cơ quan mới, làm cơ sở tính điểm trung bình năm. Nhờ vậy, quá trình công tác không bị đứt quãng và tránh tình trạng công chức "trắng điểm" khi vừa nhận nhiệm vụ mới.
Công chức đạt từ 90 điểm trở lên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ"; 70 điểm đến dưới 90 điểm là "Hoàn thành tốt"; 50 điểm đến dưới 70 điểm là "Hoàn thành"; dưới 50 điểm hoặc vi phạm kỷ luật ở mức độ nghiêm trọng bị xếp "Không hoàn thành nhiệm vụ". Hệ thống đánh giá này hướng tới tiêu chí lượng hóa, minh bạch thay vì nhận xét định tính như trước.
Dự thảo nhấn mạnh ba nhóm mục đích sử dụng kết quả theo dõi, đánh giá gồm: Thứ nhất, trong ngắn hạn, điểm số hằng tháng là căn cứ phát hiện kịp thời vướng mắc, đề xuất biện pháp tháo gỡ cũng như điều chỉnh khối lượng công việc. Thứ hai, kết quả sáu tháng và cuối năm được rà soát để bố trí, thay đổi vị trí việc làm, đồng thời xác định quỹ tiền thưởng tăng thêm - tối đa 10% quỹ lương của cơ quan. Thứ ba, xếp loại "Hoàn thành xuất sắc" hoặc "Không hoàn thành" hằng năm trở thành thước đo phục vụ công tác quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng và kỷ luật cán bộ.
Dự thảo cũng quy định chi tiết khâu lưu giữ hồ sơ. Các phiếu đánh giá tháng, quý, năm; nhận xét của cấp ủy; biên bản cuộc họp và văn bản liên quan phải lưu trên hệ thống điện tử, đồng thời bản giấy được gộp vào hồ sơ công chức. Quy định này nhằm bảo đảm đối chiếu lâu dài, giảm nguy cơ thất lạc, chỉnh sửa trái phép.
Căn cứ kết quả, sản phẩm để quản lý cán bộ
Ông Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết một trong những điểm mới của Luật Cán bộ, công chức năm 2025 đó là nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức.
Theo đó, luật quy định nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, phương thức đánh giá, xếp loại chất lượng công chức trên cơ sở theo dõi, đánh giá thường xuyên, liên tục, đa chiều, định lượng bằng các tiêu chí cụ thể gắn với tiến độ, số lượng, chất lượng của kết quả, sản phẩm theo vị trí việc làm (KPI); sử dụng kết quả đánh giá để thực hiện khen thưởng, chế độ thu nhập tăng thêm, tiền thưởng hoặc xem xét bố trí vào vị trí việc làm thấp hơn hoặc cho thôi việc để sàng lọc người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi bộ máy; đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm.
Phương thức quản lý cán bộ, công chức sẽ chuyển đổi theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm là trung tâm và kết quả, sản phẩm thực hiện nhiệm vụ để tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đánh giá, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức. (Ảnh PV/Vietnam+)
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết phương thức quản lý cán bộ, công chức sẽ chuyển đổi theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm là trung tâm, trên cơ sở căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và kết quả, sản phẩm thực hiện nhiệm vụ để tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đánh giá, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức.
Tại hội nghị giao ban đánh giá công tác tháng 6/2025 và 6 tháng đầu năm 2025, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Nội vụ sẽ thực hiện vận dụng KPI để đánh giá, xếp loại trong 6 tháng cuối năm.
Căn cứ theo Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Chính phủ, chương trình công tác của Bộ Nội vụ và kế hoạch của các Ban chỉ đạo, Bộ trưởng sẽ giao nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ ràng sản phẩm, kết quả công việc của 06 tháng cuối năm tới các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ và triển khai đồng thời, bổ sung cùng các nhiệm vụ mới được cấp có thẩm quyền giao. Các đơn vị, khi tiếp nhận nhiệm vụ được Bộ trưởng giao cũng cần tiếp tục phân công cho từng công chức, viên chức và người lao động thuộc đơn vị.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đây sẽ là căn cứ đánh giá, xếp loại đơn vị cũng như người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị. Vận dụng KPI để đánh giá, đo lường, phân loại kết hợp sàng lọc đối với công chức, viên chức, người lao động của đơn vị theo tinh thần chung và sẽ thực hiện đánh giá KPI hằng tháng, hằng quý, 6 tháng cuối năm và cả năm 2025.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: “Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ đang tham mưu triển khai một số vấn đề lớn của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, tập trung vào các vấn đề cơ bản và quan trọng là sử dụng, đánh giá theo nguyên tắc ‘có vào, có ra, có lên, có xuống’ đối với cán bộ, công chức và viên chức”./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/bo-noi-vu-danh-gia-can-bo-bang-kpi-de-co-vao-co-ra-co-len-co-xuong-post1048752.vnp