Bộ Nội vụ vừa ban hành Quyết định 73/QĐ-BNV về Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025, trong đó nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, Bộ sẽ tiếp tục hướng dẫn và đôn đốc 51 địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, công tác tổ chức, bố trí cán bộ, công chức, viên chức cũng như xử lý tài sản công sau khi sắp xếp sẽ được đẩy nhanh nhằm đảm bảo sự ổn định trước kỳ đại hội Đảng các cấp năm 2025.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ rà soát, đề xuất phương án sáp nhập đối với các đơn vị hành chính chưa đáp ứng đủ tiêu chí về diện tích, dân số theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, chủ động kế hoạch sắp xếp giai đoạn 2023-2030.
Theo Quyết định 73, năm 2025, Bộ Nội vụ đặt mục tiêu hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Đặc biệt, quá trình hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ sẽ được triển khai chặt chẽ nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
Bộ cũng sẽ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đảm bảo không gây gián đoạn công việc. Việc tinh giản biên chế sẽ đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC để đáp ứng yêu cầu mới sau quá trình tổ chức lại bộ máy. Đồng thời, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục được sắp xếp, đẩy mạnh cơ chế tự chủ theo mục tiêu của Nghị quyết 19.
Bộ Nội vụ cũng tập trung rà soát, sửa đổi và bổ sung các chính sách, thể chế liên quan nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong quản lý bộ máy hành chính và đội ngũ CBCCVC. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho CBCCVC và người lao động trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy cũng sẽ được triển khai chặt chẽ.
Trong khuôn khổ chỉ tiêu tiết kiệm và chống lãng phí, Bộ Nội vụ đặt mục tiêu cắt giảm 15-20% đầu mối tổ chức bên trong (không bao gồm các đơn vị hợp nhất, sáp nhập do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ). Việc này sẽ đảm bảo phù hợp với định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy do Ban Chỉ đạo Trung ương đề ra.
Bộ cũng sẽ hoàn thiện tiêu chí, quy chế đánh giá và tiến hành rà soát, sàng lọc CBCCVC thuộc phạm vi quản lý, nhằm cắt giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Điều này phù hợp với lộ trình thực hiện chính sách theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với CBCCVC, người lao động và lực lượng vũ trang trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.
Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với tái cơ cấu tổ chức bộ máy, đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Mục tiêu giai đoạn 2021-2026 là giảm ít nhất 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Chương trình của Bộ Nội vụ cũng yêu cầu kiên quyết triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật sự cần thiết, đặc biệt là chi mua sắm, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng xe ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo… để dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển và chi các nhiệm vụ cấp bách khác.
Ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 để dành nguồn giảm bội chi ngân sách nhà nước hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội hoặc bổ sung tăng chi đầu tư công.
Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, Bộ Nội vụ yêu cầu siết chặt kỷ cương, kỷ luật đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn. Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác; sớm đưa vào khai thác, sử dụng các dự án đã hoàn thành, không để lãng phí…
NH