Sáng 8-2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi dự phiên họp thứ sáu Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023.
Phiên họp nhằm đánh giá 1,5 năm hoạt động của Hội đồng tư vấn và thảo luận về động lực, giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số giai đoạn 2025-2030 của TP.HCM.
Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng tư vấn TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN
Tổ chức lại phương thức điều hành nền kinh tế
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi mong muốn các chuyên gia đánh giá xem sở, ngành, UBND TP.HCM đã tiếp thu, triển khai tốt các góp ý, hiến kế của chuyên gia tốt chưa và làm sao để tốt hơn nhằm chuyển hóa Nghị quyết 98 mang lại kết quả.
Về việc tăng trưởng kinh tế hai con số, Chủ tịch Phan Văn Mãi một lần nữa nhìn nhận đây là thách thức của TP. Theo ông, trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến nhanh, tác động rất lớn đến TP. Tình hình doanh nghiệp cuối năm 2024, đầu năm 2025 gặp nhiều khó khăn, được thể hiện qua con số thành lập mới, số vốn, giải thể… đã có những cảnh báo với TP.
Từ đó, ông mong các chuyên gia có gợi ý, phân tích để TP vượt qua những thách thức trước mắt và hướng tới giá trị bền vững, lâu dài.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết Bộ Nội vụ gợi ý TP.HCM về mô hình UBND hoạt động theo chế độ thủ trưởng hành chính. Ảnh: THUẬN VĂN
Ông Mãi cũng cho biết TP.HCM đang đứng trước biến động lớn là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy. Đây cũng là việc tổ chức lại về phương thức quản lý điều hành nền kinh tế thông qua thay đổi tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, TP cũng đang tổng kết Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.
“Chúng ta đang tiếp cận theo hướng tổng kết Nghị quyết 131 để đề xuất Luật Quản lý đô thị đặc biệt TP.HCM nhưng trong bối cảnh này thì cách tiếp cận nêu trên cần nghiên cứu gì thêm, có cách nào mới, phù hợp hơn không?”– ông Mãi gợi ý.
Ông Mãi cho biết hôm qua (ngày 7-2 - PV), TP nhận được gợi ý của Bộ Nội vụ về việc không tổ chức HĐND ở quận, phường. Trong đó, riêng mô hình UBND chỉ có chủ tịch, phó chủ tịch và hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hành chính. Mô hình này sẽ tạo sự thay đổi lớn trong cách quản lý ở chính quyền các cấp.
Từ đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi mong các chuyên gia nghiên cứu để sau Nghị quyết 131 là một luật riêng cho đô thị đặc biệt TP.HCM hay góp ý vào hệ thống pháp luật để có hạ tầng pháp lý phù hợp cho sự phát triển của TP.HCM.
Ngoài ra, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết những việc triển khai theo kế hoạch năm 2025 đều gắn với mục tiêu tăng trưởng hai con số. Trong đó, cơ chế cho đề án đường sắt đô thị có thể sẽ thảo luận ngay trong kỳ họp Quốc hội tháng 2 này, còn Vành đai 4, Trung tâm tài chính quốc sẽ được thảo luận vào tháng 5,…
Cũng theo ông Mãi, khu lâm viên sinh thái 150 ha tại Thủ Thiêm sẽ được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất. TP sẽ có một vùng sinh thái ngay lòng đô thị kết hợp khai thác để vận hành phương thức lựa chọn nhà đầu tư
“Đây là những việc rất mới từ Nghị quyết 98, nếu làm được sẽ mở ra cách làm mới cho các dự án khác”- ông nói.
Thúc đẩy kinh tế bước đầu
Trước đó, báo cáo tại phiên họp, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98, nhìn nhận Nghị quyết 98 đã đi nửa chặng đường của giai đoạn ba năm để sơ kết, báo cáo Quốc hội. Theo TS Lịch, TP cần vận dụng Nghị quyết 98 để giúp TP tăng trưởng hai con số.
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98, đánh giá hiệu quả bước đầu của nghị quyết này. Ảnh: THUẬN VĂN
Ông nhắc lại Nghị quyết 98 có hai nhóm nội dung, một là cơ chế phân cấp phân quyền, hai là cơ chế huy động nguồn lực phát triển.
Trong đó, về huy động nguồn lực, thực hiện các cơ chế TOD, PPP, BT, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương… TS Trần Du Lịch cho biết các sở, ngành đã chuẩn bị một loạt dự án, dù chưa hình thành dự án cụ thể nhưng đã triển khai giai đoạn đầu.
Ông khẳng định sau 18 tháng, Nghị quyết 98 đã bước đầu thể hiện tư duy, mục tiêu là thúc đẩy sự phát triển TP, tạo động lực bước đầu cho TP.
“Vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục khiển khai như tín chỉ carbon đang được nỗ lực nhưng khá khó, hay điện áp mái, thu hút nhà đầu tư chiến lược các ngành mũi nhọn…” – TS Lịch nói.
Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới, TS Trần Du Lịch khẳng định TP.HCM phải đi đầu, là động lực cho cả nước.
Theo ông, TP.HCM có nền kinh tế mở, những tác động bên ngoài sẽ rất quan trọng với TP, do đó cần dự báo giải pháp ứng phó. Đồng thời, có các giải pháp kích tổng cầu, tháo gỡ ba trụ cột tăng trưởng của Việt Nam để tác động đến kinh tế TP.
Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế TP.HCM năm nay tùy thuộc rất lớn vào tổng đầu tư xã hội năm 2023, 2024. Vì vậy cần dự báo khả năng tác động đầu tư từ các năm trước tới năm 2025.
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng cần gắn Nghị quyết 98 với việc hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị phù hợp với TP. Ảnh: THUẬN VĂN
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đánh giá Nghị quyết 98 đã góp phần tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn, giúp tăng trưởng kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2023-2024 và khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Thời gian tới, TS Trương Minh Huy Vũ đề xuất cần gắn Nghị quyết 98 với việc hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy mô và vị trí, vai trò của TP.
Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98 sẽ hỗ trợ xây dựng triển khai Khu thương mại tự do tại Cần Giờ; nghiên cứu tiến tới mô hình đô thị đặc biệt cho TP; đóng góp ý kiến để xây dựng đề án đường sắt đô thị TP; tham gia hoàn chỉnh đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM…
Trước đó, tại phiên họp thứ 42 hôm 5-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi).
Chính phủ đề xuất tại nơi không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không có HĐND), UBND do UBND cấp trên trực tiếp thành lập, làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói mô hình UBND là cơ quan hành chính để thực hiện chế độ thủ trưởng rất hay.
“Nhiều nước trên thế giới hiện có thị trưởng, tỉnh trưởng. Mô hình này rất hay, vừa phù hợp với xu thế, vừa phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp hành chính địa phương” - Bộ trưởng Nội vụ nói và cho rằng nếu làm được điều này rất tốt, là một cuộc cách mạng về tư duy trong vấn đề quản trị địa phương.
LÊ THOA