Bộ Nội vụ hướng dẫn lấy ý kiến nhân dân về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã

Bộ Nội vụ hướng dẫn lấy ý kiến nhân dân về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã
3 ngày trướcBài gốc
Đề án sáp nhập phải lấy ý kiến nhân dân
Với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bộ Nội vụ cho biết, căn cứ định hướng phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chính phủ sẽ phân công UBND của 1 tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với đơn vị còn lại xây dựng đề án.
Trong đó, hồ sơ đề án sáp nhập tỉnh, bao gồm tờ trình, đề án theo mẫu quy định, báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân, ý kiến của HĐND cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Đề án sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã phải được lấy ý kiến nhân dân (Ảnh minh họa)
UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình thường trú trên địa bàn; quyết định nội dung và hình thức lấy ý kiến phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Trong thời gian tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân, UBND cấp tỉnh tổ chức việc tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn.
Hồ sơ đề án còn bao gồm 2 bản đồ (1 bản đồ về hiện trạng địa giới các đơn vị hành chính cấp tỉnh có liên quan và 1 bản đồ về phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh); cùng các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Bộ Nội vụ nhấn mạnh rằng, đề án sáp nhập cấp tỉnh phải được lấy ý kiến nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn. Sau khi có kết quả lấy ý kiến nhân dân, UBND cấp tỉnh (cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp) có trách nhiệm hoàn thiện đề án và gửi HĐND cùng cấp để xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Cơ quan chủ trì – UBND cấp tỉnh sẽ tổng hợp báo cáo chung trên cơ sở báo cáo kết quả của UBND cấp tỉnh cùng sáp nhập (cơ quan phối hợp).
Trên cơ sở hồ sơ đề án của UBND cấp tỉnh, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp, xây dựng đề án của Chính phủ trình Quốc hội.
Theo đó, hồ sơ đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải được Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Bảo đảm tính kết nối, đồng bộ giữa các xã, phường
Cùng với cấp tỉnh, Bộ Nội vụ cũng nêu chi tiết về trình tự, thủ tục xây dựng và thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Tổng số đơn vị hành chính xã, phường sau sắp xếp giảm tối thiểu 70% và giảm tối đa 75% so với hiện nay. Qua đó, dự kiến có 9.996 trên tổng số 10.035 cấp xã trên cả nước thuộc diện sắp xếp.
Trong đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng đề án sắp xếp cấp xã trên địa bàn có tính đến định hướng phương án sắp xếp cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điều này nhằm bảo đảm tính kết nối, đồng bộ giữa các xã, phường trực thuộc đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp.
Tương tự như cấp tỉnh, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải được lấy ý kiến nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Sau đó, UBND cấp tỉnh hoàn thiện đề án và gửi HĐND cùng cấp xem xét, biểu quyết về chủ trương.
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ thẩm định đề án của từng địa phương trước khi trình Chính phủ; xây dựng đề án của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hồ sơ đề án này cũng phải được Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Dự kiến cả nước có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên, gồm: Thành phố Hà Nội, thành phố Huế; các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
52 đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại thuộc diện phải sắp xếp, gồm 4 thành phố: Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Cùng với đó là 48 tỉnh, gồm: Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Kiên Giang.
Luân Dũng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/bo-noi-vu-huong-dan-lay-y-kien-nhan-dan-ve-sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-cap-xa-post1728463.tpo