Bộ Nội vụ lý giải về việc bỏ thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh

Bộ Nội vụ lý giải về việc bỏ thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh
6 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn cho biết chủ trương bỏ thành phố thuộc tỉnh đã được Trung ương cân nhắc kỹ lưỡng và đi đến thống nhất.
CÂN NHẮC KỸ LƯỠNG
Liên quan đến việc không còn giữ các thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tại họp báo của Bộ Nội vụ ngày 28/4/2025, ông Phan Trung Tuấn thông tin, theo đề xuất ban đầu của Bộ Nội Vụ, mô hình tổ chức chính quyền địa phương vẫn có mô hình thành phố, thị xã và xác định đây là một đơn vị hành chính cấp cơ sở.
"Theo đề xuất ban đầu của Bộ Nội vụ, mô hình tổ chức chính quyền địa phương vẫn bảo đảm 2 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm xã, phường, đặc khu, thành phố, thị xã", ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đề án, các cấp có thẩm quyền đã cân nhắc rất kỹ lưỡng. Bộ Chính trị đã xem xét đến 3 lần khi cho ý kiến về đề án này, đặc biệt cân nhắc rất kỹ việc không giữ lại các thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức chính quyền địa phương, quyết định kết thúc hoạt động thành phố, thị xã thuộc tỉnh xuất phát từ việc Trung ương đã thống nhất chủ trương bỏ hoàn toàn cấp huyện, tổ chức bộ máy theo mô hình 2 cấp.
Việc tiếp tục duy trì các tên gọi gắn với cấp huyện cũ sẽ khiến bộ máy không thống nhất và dễ tạo tâm lý băn khoăn trong nhân dân là vì sao bỏ cấp huyện mà vẫn còn thành phố, thị xã. "Có nhiều ý kiến thắc mắc, vì sao chủ trương của Trung ương là bỏ cấp huyện mà vẫn giữ lại thành phố, thị xã - những đơn vị hiện đang là cấp huyện", ông Tuấn lý giải.
Để tránh tâm lý như vậy, Trung ương đã cân nhắc rất kỹ vấn đề này, sau đó đi đến thống nhất tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bỏ hoàn toàn cấp huyện, kể cả tên thành phố thuộc tỉnh.
Đồng thời, Bộ Chính trị, Trung ương cũng thống nhất tổ chức mô hình tương đối gọn nhẹ, để bảo đảm hướng tới phục vụ người dân tốt nhất, bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, để chính quyền cấp cơ sở thật gần dân, sát dân.
"Theo đó, cả nước giữ nguyên chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cấp xã chỉ còn xã, phường, đặc khu (tổ chức ở các địa bàn hải đảo). Dự kiến, cả nước sẽ có 12-13 đặc khu theo phương án trình của các địa phương", Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn thông tin thêm.
TỔ CHỨC LẠI KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN, MÔ HÌNH VẬN HÀNH
Trước đó, trên cơ sở định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã nghiên cứu, hoàn thiện kỹ lưỡng, đa chiều với tư duy đổi mới, từ đó đề xuất các nguyên tắc tổ chức sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay thành các đơn vị hành chính cấp xã mới.
Theo đó, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay theo hướng bỏ cấp trung gian (cấp huyện), hình thành các đơn vị hành chính cấp xã mới, gồm xã, phường và đặc khu. Như vậy, không còn loại hình đơn vị hành chính thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, quận, huyện, thị trấn.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn thông tin tại họp báo Bộ Nội vụ ngày 28/4/2025. Ảnh: Tống Giáp.
Bộ Nội vụ cũng cho biết trên cơ sở trình của Đảng ủy Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận và thống nhất cơ bản với nội dung Đề án của Chính phủ tại Nghị quyết số 60-NQ/TW với các nội dung lớn.
Đó là, đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bao gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Trung ương cũng đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); đồng ý sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay (hiện nay có 10.035 đơn vị hành chính cấp xã).
Theo Bộ Nội vụ, chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước, của từng địa phương trong định hướng phát triển nhanh và bền vững trong Kỷ nguyên mới.
Đây cũng là bước đi quan trọng trong việc tiếp tục đổi mới tư duy quản trị quốc gia, quản trị địa phương, sắp xếp, tổ chức lại các tỉnh, thành phố và cấp xã để mở rộng không gian phát triển với tầm nhìn dài hạn.
Tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp như hiện nay sang mô hình 2 cấp hiện đại, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới phục vụ tốt nhất người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Nhật Dương
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/bo-noi-vu-ly-giai-ve-viec-bo-thi-xa-thanh-pho-thuoc-cap-tinh.htm