Bộ Nội vụ lý giải vì sao không giữ lại thị xã, thành phố thuộc tỉnh

Bộ Nội vụ lý giải vì sao không giữ lại thị xã, thành phố thuộc tỉnh
5 giờ trướcBài gốc
Bộ Chính trị quyết định chỉ còn cấp tỉnh và cấp xã (xã, phường, và đặc khu), nhằm tạo sự đồng nhất và tránh sự phân vân trong dư luận. Ảnh: Đạt Thành
Hôm nay (28-4), tại buổi họp báo của Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn thông tin về tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp và phương án bố trí nhân sự cấp xã sau sắp xếp, baochinhphu.vn đưa tin.
Về chủ trương cấp huyện sẽ bị bỏ hoàn toàn, chỉ còn cấp tỉnh và cấp xã, ông Phan Trung Tuấn cho biết, ban đầu Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức chính quyền địa phương theo hai cấp, gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở, trong đó cấp cơ sở sẽ bao gồm xã, phường, đặc khu, thành phố và thị xã.
Tuy nhiên, sau khi trình lên các cấp có thẩm quyền, Bộ Chính trị đã ba lần xem xét và đưa ra quyết định không giữ lại thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Ông Tuấn giải thích lý do là vì đã thống nhất chủ trương bỏ hoàn toàn cấp huyện, chỉ còn cấp xã. Ngoài ra, cũng có yếu tố tâm lý khi người dân sẽ thắc mắc tại sao Trung ương lại bỏ cấp huyện nhưng vẫn giữ lại thành phố và thị xã hiện đang là cấp huyện.
Đề án này đã được Bộ Chính trị cân nhắc kỹ và quyết định tổ chức chính quyền hai cấp, với cấp xã gồm xã, phường, và đặc khu (địa bàn hải đảo). Việc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ do địa phương quyết định, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và được người dân đồng thuận.
Công việc của cấp huyện sẽ chủ yếu chuyển giao cho cấp xã còn một số ít nhiệm vụ như bệnh viện, sự nghiệp công lập sẽ tiếp tục thuộc cấp tỉnh. Bộ Nội vụ cũng sẽ tham mưu Chính phủ về các quy định liên quan đến nhà công vụ, xe phục vụ công tác cho cán bộ, công chức sau khi sắp xếp.
Ông Phan Trung Tuấn cho biết, đến nay cơ bản các địa phương đã hoàn thành đề án sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã. Tính đến hôm nay, bộ đã nhận được 20 hồ sơ đề án của các địa phương gửi thẩm định và cố gắng trước ngày 10-5 trình Chính phủ, sau đó lấy ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ, đến ngày 15-5 trình Quốc hội.
Theo ông, bước đầu ước tính sau sáp nhập, cả nước sẽ còn khoảng 3.300 đơn vị hành chính cấp xã, con số cuối cùng sẽ có khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Đề án.
Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Cán bộ Công chức (sửa đổi), dự kiến sẽ được xem xét tại kỳ họp Quốc hội tới, trong đó đề xuất tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của cán bộ, công chức, bao gồm công chức cấp xã.
Sau khi Luật được thông qua, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định mới quy định cụ thể về nội dung này. Trung ương cũng thống nhất giữ nguyên số lượng biên chế hiện tại, chủ yếu chuyển biên chế cấp huyện về cấp xã để bố trí cho các đơn vị hành chính cấp xã mới.
Các địa phương có thể bố trí ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy làm Bí thư xã, phường mới và các địa bàn quan trọng có thể bố trí ủy viên ban thường vụ cấp tỉnh làm người đứng đầu cấp ủy.
Còn các địa phương sẽ tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc bố trí nhân sự, như ai làm bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch, và tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp xã, theo quy định hiện hành.
Trong vòng 5 năm, Bộ Nội vụ sẽ ban hành bộ tiêu chuẩn mới để định biên chế cho từng cấp tỉnh và cấp xã. Trước khi có bộ tiêu chuẩn mới, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ và phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để rà soát tổng biên chế trong hệ thống chính trị, sau đó báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định, vì đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị.
Bình Dương
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/bo-noi-vu-ly-giai-vi-sao-khong-giu-lai-thi-xa-thanh-pho-thuoc-tinh/