Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ đề án về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 sau khi thẩm định 23 hồ sơ đề án của 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương – nơi được lựa chọn đặt trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh mới.
Cụ thể, có 52 ĐVHC cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, gồm 4 thành phố: Hải Phòng, TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ; 48 tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Kiên Giang.
Có 11 ĐVHC cấp tỉnh không thực hiện sắp xếp, gồm: 10 ĐVHC cấp tỉnh đủ tiêu chuẩn theo quy định: TP Hà Nội, TP Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và 1 tỉnh chưa đủ tiêu chuẩn nhưng có yếu tố đặc thù là Cao Bằng.
TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hoàng Hà
Có 23 phương án sắp xếp đối với 52 ĐVHC cấp tỉnh để hình thành 23 ĐVHC cấp tỉnh mới. Cụ thể:
1. Nhập tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Tuyên Quang, có diện tích tự nhiên là 13.795,5km2, quy mô dân số 1.865.270 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay.
2. Nhập tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lào Cai, có diện tích tự nhiên là 13.256,92km2, quy mô dân số 1.778.785 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Yên Bái hiện nay.
3. Nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Thái Nguyên, có diện tích tự nhiên là 8.375,21km2, quy mô dân số 1.799.489 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay.
4. Nhập tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hòa Bình và tỉnh Phú Thọ thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Phú Thọ, có diện tích tự nhiên là 9.361,38km2, quy mô dân số 4.022.638 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Phú Thọ hiện nay.
5. Nhập tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Bắc Ninh, có diện tích tự nhiên là 4.718,6km2, quy mô dân số 3.619.433 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang hiện nay.
6. Nhập tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Hưng Yên, có diện tích tự nhiên là 2.514,81km2, quy mô dân số 3.567.943 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.
7. Nhập tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng thành thành phố mới có tên gọi là TP Hải Phòng, có diện tích tự nhiên là 3.194,72km2, quy mô dân số 4.664.124 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Hải Phòng hiện nay.
8. Nhập tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Ninh Bình, có diện tích tự nhiên là 3.942,62km2, quy mô dân số 4.412.264 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.
9. Nhập tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Quảng Trị, có diện tích tự nhiên là 12.700km2, quy mô dân số 1.870.845 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.
10. Nhập tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng thành thành phố mới có tên gọi là TP Đà Nẵng, có diện tích tự nhiên là 11.859,59km2, quy mô dân số 3.065.628 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Đà Nẵng hiện nay.
11. Nhập tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Quảng Ngãi, có diện tích tự nhiên là 14.832,55km2, quy mô dân số 2.161.755 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.
12. Nhập tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Gia Lai, có diện tích tự nhiên là 21.576,53km2, quy mô dân số 3.583.693 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bình Định hiện nay.
13. Nhập tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Khánh Hòa, có diện tích tự nhiên là 8.555,86km2, quy mô dân số 2.243.554 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay.
14. Nhập tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lâm Đồng, có diện tích tự nhiên là 24.233,07km2, quy mô dân số 3.872.999 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
15. Nhập tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đắk Lắk, có diện tích tự nhiên là 18.096,4km2, quy mô dân số 3.346.853 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay.
16. Nhập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TPHCM thành thành phố mới có tên gọi là TPHCM, có diện tích tự nhiên là 6.772,59km2, quy mô dân số 14.002.598 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TPHCM hiện nay.
17. Nhập tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng Nai, có diện tích tự nhiên là 12.737,18km2, quy mô dân số 4.491.408 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện nay.
18. Nhập tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Tây Ninh, có diện tích tự nhiên là 8.536,44km2, quy mô dân số 3.254.170 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Long An hiện nay.
19. Nhập TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang thành thành phố mới có tên gọi là TP Cần Thơ, có diện tích tự nhiên là 6.360,83km2, quy mô dân số 4.199.824 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Cần Thơ hiện nay.
20. Nhập tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Vĩnh Long, có diện tích tự nhiên là 6.296,2km2, quy mô dân số 4.257.581 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Vĩnh Long hiện nay.
21. Nhập tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng Tháp, có diện tích tự nhiên là 5.938,64km2, quy mô dân số 4.370.046 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tiền Giang hiện nay.
22. Nhập tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Cà Mau, có diện tích tự nhiên là 7.942,39km2, quy mô dân số 2.606.672 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Cà Mau hiện nay.
23. Nhập tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh An Giang, có diện tích tự nhiên là 9.888,91km2, quy mô dân số 4.952.238 người. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang hiện nay.
Toàn bộ 23 tỉnh, thành trên đều đạt định hướng tiêu chuẩn của ĐVHC cấp tỉnh theo quy định.
Như vậy, sau sắp xếp, cả nước có 34 ĐVHC cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM) và 28 tỉnh (gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang).
Tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Hà
Tiếp tục sử dụng 33.956, dôi dư 4.226 trụ sở
Trước khi gửi đề án tới Bộ Nội vụ, UBND các tỉnh, thành đều đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân và thông qua hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp theo quy định. Kết quả lấy ý kiến nhân dân đạt tỷ lệ đồng thuận cao, trung bình cả nước là 96,19% và 100% HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã của 52 tỉnh, thành phố đã biểu quyết tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh của địa phương mình.
Về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, HĐND các tỉnh sau sắp xếp thành lập 3 ban: ban Pháp chế, ban Kinh tế - Ngân sách, ban Văn hóa – Xã hội. Với tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có thể thành lập thêm ban Dân tộc.
HĐND thành phố trực thuộc trung ương thành lập 4 ban: ban Pháp chế, ban Kinh tế - Ngân sách, ban Văn hóa - Xã hội và ban Đô thị.
Đối với các sở, cơ quan tương đương, hợp nhất các sở, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Đối với một số cơ quan chuyên môn đặc thù thuộc UBND cấp tỉnh (không đồng nhất giữa các tỉnh, thành phố cùng thực hiện sắp xếp), cơ bản giữ nguyên mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và biên chế.
Sau sắp xếp, UBND cấp tỉnh tổ chức tối đa 14 sở và tương đương. Riêng TPHCM tổ chức tối đa 15 sở và tương đương.
Giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, giáo dục trên địa bàn. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc UBND tỉnh và trực thuộc các sở, cơ quan thì thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Tổng biên chế được giao của 52 tỉnh, thành thực hiện sắp xếp là 937.935 người (gồm: 37.447 cán bộ, 130.705 công chức, 769.783 viên chức).
Sau sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức trước sắp xếp. Trong 5 năm, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ.
Tổng hợp theo số liệu báo cáo tại đề án của các tỉnh, thành, tổng số trụ sở công cấp tỉnh của 52 tỉnh, thành thực hiện sắp xếp là: 38.182 trụ sở. Số lượng trụ sở công dự kiến tiếp tục sử dụng là: 33.956 trụ sở. Số lượng trụ sở công dự kiến dôi dư là: 4.226 trụ sở.
Nguyễn Thảo