Bộ Nông nghiệp và Môi trường họp với doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ

Bộ Nông nghiệp và Môi trường họp với doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ
7 giờ trướcBài gốc
Chiều 7-4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã chủ trì cuộc họp với đại diện các Hiệp hội và doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ để kịp thời chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế.
Cuộc họp quy tụ các hiệp hội ngành hàng lớn như: gỗ, thủy sản, cà phê, hồ tiêu, điều, rau quả,... và các doanh nghiệp lớn trong ngành như: cá tra Vĩnh Hoàn, cà phê Vĩnh Hiệp, nông sản Hanfimex,...
Việt Nam có thể tăng nhập nguyên liệu gỗ từ Mỹ
Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam nêu Mỹ không chỉ là thị trường có giá trị xuất khẩu số 1 mà còn có tính định hướng thị trường. Hiện có khoảng 400 doanh nghiệp đang và sắp xuất khẩu sang Mỹ nên nếu thuế đối ứng 46% không thay đổi theo hướng tích cực thì ngành thủy sản sẽ "đứng hình".
Theo dự kiến ban đầu, thuế đối ứng của Việt Nam cao nhất so với các đối thủ tại thị trường Mỹ khi Ấn Độ 26%, Ecuador 10%, Indonesia 32%, Thái Lan 36%...
Đồng thời, ông Nam cũng đề xuất đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp trong tình thế thiếu vốn, dòng tiền như hiện tại.
Mỹ là thị trường số 1 của tôm Việt Nam
Ông Phùng Văn Sâm, Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu và Gia vị Việt Nam (VPSA), cho biết Chủ tịch VPSA đang bay sang Mỹ để phối hợp cùng Hiệp hội Gia vị Thương mại Mỹ (ASTA), kiến nghị Chính phủ Mỹ triển khai quy trình miễn trừ thuế quan và loại trừ những loại gia vị không được trồng tại Mỹ ra khỏi chương trình thuế đối ứng.
Ông Sâm cho hay Mỹ là thị trường số 1, chiếm khoảng 30% thị phần hồ tiêu và gia vị. Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ, tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu và cả nhà mua hàng đều rất bất ngờ và lo lắng nên đa số các hợp đồng đã ký xuất khẩu sang Mỹ đều phải hoãn, thậm chí là hủy.
"Không chỉ doanh nghiệp mà nhiều nông dân ở vùng nguyên liệu cùng lo lắng gọi điện cho tôi để hỏi thông tin về thuế của Mỹ và lo lắng không biết có nên tiếp tục đầu tư, mở rộng canh tác hay không? – ông Sâm nói.
Cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến chiều 7-4
Hỗ trợ đầu tư tại Mỹ
Ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam chuyên về tôm cho biết trong cơ cấu giá thành tôm nguyên liệu tôm thì có đến gần 45% là chi phí thức ăn. Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên liệu thức ăn từ Brazil, Argentina hay các doanh nghiệp Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc).
"Sao chúng ta không mua nguyên liệu từ Mỹ. Nếu tính thêm bao bì, nguyên phụ liệu thì hàm lượng giá trị Mỹ trong sản phẩm xuất khẩu đi Mỹ có thể vượt 50%. Tôi đề nghị cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư tại Mỹ và đưa hàng về Việt Nam phục vụ sản xuất" – ông Phục kiến nghị.
Phát biểu kết luận cuộc họp, bộ trưởng Đỗ Đức Duy kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp nên ưu tiên quyền lợi ngành hàng và quyền lợi quốc gia hơn là quyền lợi riêng trong tình hình hiện nay.
Ông cũng nêu quan điểm của Việt Nam là chú trọng đàm phán, không đối đầu, các doanh nghiệp bình tĩnh và phối hợp cùng đối tác tại Mỹ để họ cùng lên tiếng, vì quyền lợi người tiêu dùng của Mỹ.
Trong đó, phía bộ tích cực tháo gỡ các vấn đề về kỹ thuật mà Mỹ phản ánh là rào cản phi thuế quan như: kiểm dịch, dán nhãn, chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (phản ảnh của các nhà đầu tư Mỹ), hạn ngạch thuế quan nhập khẩu với muối, trứng và đường,…
Bên cạnh đó, bộ trưởng kêu gọi các doanh nghiệp tìm cơ hội trong thách thức, tiếp tục đầu tư công nghệ, chế biến sâu để nâng giá trị, hạ giá thành, đa dạng thị trường.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 (sau Trung Quốc), chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Trong 3 năm gần đây, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt trên mức 13 tỉ USD và nhập khẩu khoảng hơn 3 tỉ USD, xuất siêu sang thị trường này 10 tỉ USD.
Các nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn theo thống kê của năm 2024 gồm: gỗ và các sản phẩm từ gỗ (9 tỉ USD); thủy sản (1,8 tỉ USD); hạt điều (1,2 tỉ USD); hạt tiêu (400 triệu USD); hạt tiêu và rau quả cùng 300 triệu USD.
Bài và ảnh: NGỌC ÁNH
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/bo-nong-nghiep-va-moi-truong-hop-voi-doanh-nghiep-co-kim-ngach-xuat-khau-lon-sang-my-196250407183216984.htm