Thông tin với báo chí vào chiều 14-5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẳng định một số cơ quan truyền thông và người dân hiểu chưa đúng về đề xuất áp dụng lộ trình khí thải đối với ô tô và xe máy.
Vì sao áp tiêu chuẩn khí thải ô tô cao ở hai thành phố lớn ?
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết vừa qua, đơn vị dự thảo lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải ôtô và xe máy lưu hành ở Việt Nam. Đây là đề xuất nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cũng như thực hiện mục tiêu giảm ô nhiễm không khí.
Theo dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất Thủ tướng quy định lộ trình áp dụng khí thải phương tiện ô tô lưu hành ở Việt Nam theo 5 mức từ thấp đến cao. Cụ thể, ô tô có năm sản xuất trước năm 1999 áp dụng mức 1, ô tô có năm sản xuất từ năm 1999 áp dụng mức 2.
Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức (động cơ chạy bằng xăng) và ô tô lắp động cơ cháy do nén (động cơ chạy bằng dầu - diesel) có năm sản xuất từ năm 2017 áp dụng mức 3. Riêng ô tô lắp biển Hà Nội và TP.HCM áp dụng mức khí thải cao hơn là mức 4. Thời gian áp dụng từ ngày 1-1-2026.
Xe máy đang lưu hành tới đây phải đạt chuẩn khí thải mới được lưu hành. Ảnh: V.LONG
Thêm vào đó, ô tô chạy bằng động cơ xăng và dầu có năm sản xuất từ năm 2022 áp dụng mức 4 từ ngày 1-1-2026 và mức 5 từ ngày 1-1-2028. Ô tô lắp biển Hà Nội và TP.HCM chạy bằng động cơ xăng và dầu có năm sản xuất từ năm 2022 áp dụng ngay mức 5 từ ngày 1-1-2027.
Như vậy, cơ quan soạn thảo đề xuất giữ nguyên quy định khí thải đối với xe ô tô sản xuất trước 1999 và từ năm 1999. Tuy nhiên, nâng mức áp dụng mức khí thải đối với các phương tiện ô tô lắp động cơ đốt trong, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM.
Việc tăng tiêu chuẩn khí thải ở Hà Nội và TP.HCM là do chất lượng môi trường không khí có dấu hiệu suy giảm, một số thời điểm chất lượng không khí ở mức xấu. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do khí thải từ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
“Do vậy, chúng tôi nhận thấy cần phải quy định lộ trình áp dụng sớm hơn và áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn so với các địa phương khác…”- đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường lý giải thêm.
Lần đầu quy định mức khí thải đối với xe máy đang lưu hành
Tương tự, đối với xe máy phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải tùy năm sản xuất. Trong đó, xe mô tô sản xuất trước 2008 phải đáp ứng khí thải mức 1, sản xuất từ 2008 - 2016 phải đáp ứng khí thải mức 2, sản xuất từ 2017 đến 30-6-2026 phải đáp ứng mức khí thải 3, sản xuất sau ngày 1-7-2026 phải đáp ứng mức 4.
Với xe gắn máy, cơ quan soạn thảo đề xuất: xe sản xuất trước 2016 phải đáp ứng khí thải mức 1; sản xuất từ năm 2017 đến 30-6-2027 phải đáp ứng mức khí thải 2; sản xuất sau ngày 1-7-2027 phải đáp ứng mức khí thải 4.
Riêng Hà Nội và TP.HCM, tất cả xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành phải đáp ứng mức khí thải mức 2 trở lên từ ngày 1-1-2032. Mục đích, đảm bảo an toàn giao thông và đảm bảo khí thải đáp ứng các quy định về chất lượng theo quy định, giúp giảm dần ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng môi trường không khí.
Đặc biệt, Hà Nội có thể quy định mức khí thải mà xe mô tô, xe gắn máy phải đáp ứng khi đi vào các “vùng phát thải thấp” và quy định này do chính quyền Thủ đô quy định.
Dự thảo quy định đưa ra thời điểm bắt đầu thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông từ ngày 1-1-2027 tại Hà Nội và TP.HCM.
Từ ngày 1-1-2028, kiểm tra khí thải tại bốn tỉnh thành gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế và từ 1-1-2030 được tiến hành trên cả nước.
Ngoài ra, việc quy định lộ trình áp dụng các mức khí thải theo từng giai đoạn như dự thảo cũng để tạo điều kiện cho người dân nâng cao ý thức tham gia giao thông an toàn, làm quen dần với hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
“Đặc biệt quy định kiểm tra khí thải giúp người dân tăng ý thức giữ gìn, duy trì việc bảo trì, bảo dưỡng xe định kỳ để khí thải luôn đạt được quy định phát thải, giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường không khí và bảo vệ môi trường…”- Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhìn nhận.
VIẾT LONG