An toàn thực phẩm là vấn đề được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến dành nhiều tâm tư, nhất là trong buổi họp báo thường kỳ tháng 7, do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức.
Thẳng thắn trao đổi tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định vấn đề an toàn thực phẩm là vấn đề rất hệ trọng, trong khi đó tình trạng quản lý giết mổ và chế biến thực phẩm trong nhiều năm qua còn tồn tại nhiều yếu kém, đến nay mới chỉ có các đề án trên giấy, “còn việc triển khai thực tế hầu như chưa rõ nét”.
Ảnh: Thanh Tâm.
Sau vụ việc liên quan đến Công ty C.P. Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết đã có văn bản yêu cầu xử lý kỷ luật cán bộ sai phạm. Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường giám sát công tác kiểm dịch, kiểm soát công tác thú y và đẩy mạnh áp dụng tiêm phòng vaccine và an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.
Hiện, Cục Chăn nuôi và Thú y đang phối hợp C05 - Bộ Công an xây dựng quy chế phối hợp giám sát, kiểm tra vệ sinh an toàn giết mổ, đồng thời yêu cầu các địa phương rà soát toàn bộ đội ngũ kiểm dịch viên tại các cơ sở giết mổ.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 484 cơ sở giết mổ tập trung và 24.640 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. So với yêu cầu giám sát được nêu trong Nghị quyết 13 của Quốc hội về an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá rằng, tình hình hiện nay cần được quan tâm rốt ráo hơn nữa. Thứ trưởng cũng yêu cầu đại diện Cục Chăn nuôi - Thú y phải nêu rõ kế hoạch hành động cụ thể trong thời gian tới.
Riêng đối với thông tin đổ trộm rác thải là hàng hóa như thuốc bảo vệ thực vật, tuồn hàng lậu như thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm như La Phù, Hoài Đức, TP.HCM… ông Hồ Kiên Trung, Phó cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, hành vi đổ trộm rác thải là hành vi vi phạm pháp luật, đã có các quy định xử phạt, thậm chí đối với các thuốc này nếu như đó là hóa chất độc hại thì sẽ càng phải xử lý nghiêm theo quy định.
Đại diện Cục Môi trường cho hay về vấn đề này, Cục sẽ tham mưu để Bộ cũng có công văn gửi chính quyền các địa phương và yêu cầu tăng cường phối hợp với lực lượng công an siết chặt công tác điều tra giám sát trong thời gian tới.
Chuẩn bị sẵn 3 kịch bản thuế đối ứng với Hoa Kỳ
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm 2025, tình hình sản xuất nông lâm thủy sản đạt nhiều kết quả khả quan. Theo đó, quý II/2025, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 3,8%, cao hơn quý I/2025. Tính chung 6 tháng, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 3,85%.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2025 đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 18,46 tỷ USD, tăng 17,8%. Giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 264,4 triệu USD, tăng 10,1%. Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 5,16 tỷ USD, tăng 16,9%. Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 8,82 tỷ USD, tăng 9,3%. Giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỉ USD, tăng 23,6%. Giá trị xuất khẩu muối đạt 5,7 triệu USD, tăng 2,4 lần.
Năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu xuất khẩu khẩu nông lâm thủy sản ở mức 65 tỷ USD. Trước những biến động phức tạp, khó lường về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới, để đảm bảo đạt được mục tiêu này, cách đây ít ngày, Bộ đã ban hành Quyết định về kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2025.
Theo đó, mục tiêu trong quý II, ngành phấn đấu đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu là 14-15 tỷ USD. Quý IV, ngành tăng tốc xuất khẩu qua việc tận dụng nhu cầu tiêu thụ nông sản tăng dịp cuối năm dương lịch, lễ, tết để đạt được mục tiêu tăng trưởng tốt với 16 tỷ USD trở lên.
Đặc biệt với vấn đề thuế đối ứng của Hoa Kỳ áp dụng cho hàng hóa Việt Nam trong thời gian tới, ông Trần Gia Long, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, cho biết, Bộ đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Cụ thể, với kịch bản 1, nếu thuế đối ứng của Mỹ áp dụng với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ở mức 10%, thì cơ bản kim ngạch xuất khẩu không ảnh hưởng nhiều, tăng trưởng của ngành vẫn ở mức 4%.
Với kịch bản 2, nếu Mỹ áp thuế đối ứng ở mức 20%, sẽ giảm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm, tức khoảng giảm 6,2-6,5 tỷ USD, giảm 0,15-0,2 điểm phần trăm tăng trưởng.
Kịch bản 3 là nếu Hoa Kỳ áp thuế 46%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng cuối năm giảm khoảng 12,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, hiện chưa rõ Hoa Kỳ sẽ áp thuế đối ứng ở mức bao nhiêu với các mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam như tôm, cá tra, cá ngừ, nên chưa có đánh giá tác động cụ thể.
Liên quan tới vấn đề một số nơi người sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải nộp tiền cao, tại buổi họp báo, ông Mai Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) thông tin rằng, việc thu tiền tuân theo quy định của pháp luật Đất đai. Tuy nhiên, phía Cục cũng đã nghiên cứu trên thực tiễn và sẽ trao đổi với Bộ Tài chính theo hướng giá đất tiệm cận theo giá thị trường, nhưng cần phân định theo đối tượng, loại đất.
“Việc xây dựng Nghị định số 103/2024/NĐ-CP ngày 30/07/2024 của Chính phủ Quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Bộ Tài chính chủ trì, do đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Tài chính về nội dung này nhằm đảm bảo hài hòa giữa người có đất bị thu hồi, người chuyển đổi mục đích, đồng thời, cũng phải đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước”, ông Mai Văn Phấn nói.
Nhung Bùi