Các cặp bố con của chương trình "Bố ơi mình đi đâu thế? 2025" đến Ninh Bình.
Chạm vào di sản bằng trải nghiệm thật
Không cần đến bảo tàng hay lớp học lịch sử, các em nhỏ trong chương trình đã được “học” về Ninh Bình một cách sống động và chân thực - bằng cờ lau, sới vật, mái chèo trên sông Sào Khê, bằng những chiếc đèn lồng do chính tay mình dán giấy, và bằng cả tiếng trống vang vọng giữa sân đình cổ kính.
Tại Cố đô Hoa Lư, các con tham gia trò chơi cướp cờ lau - gợi nhớ thời niên thiếu của Đinh Bộ Lĩnh, khi kết nghĩa anh em, dựng cờ lau tập trận cùng bạn bè.
Bean - con trai diễn viên Duy Hưng và Cati - con gái nhỏ của Neko Lê thi cướp cờ lau.
Không dừng lại ở đó, các con còn được làm lồng đèn truyền thống, rập tranh dân gian tại đền Trình, và đánh trống hội - những hoạt động tưởng chừng xưa cũ nhưng lại lấp lánh sự tò mò, niềm tự hào và sự hứng thú trong ánh mắt trẻ thơ.
Các bố con được hướng dẫn rập tranh dân gian.
Dứa - con gái diễn viên hài Trung Ruồi lần đầu được đánh trống hội.
Đặc biệt, các cặp bố con còn được trải nghiệm học hát xẩm từ bà Nguyễn Thị Mận - con gái của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, người từng được mệnh danh là “báu vật nhân văn quốc gia” trong nghệ thuật xẩm. Và tổ chức một buổi hội làng tại Cố Viên Lầu - một điểm đến nằm trong vùng đệm của Quần thể di sản thế giới Tràng An.
Các bố con biểu diễn hát xẩm tại Cố Viên Lầu.
Các bố “thấm mệt” để hiểu đời sống làng quê
Không chỉ các em nhỏ, chính những ông bố thành thị - những nghệ sĩ nổi tiếng như Trung Ruồi, Duy Hưng, Neko Lê - cũng lần đầu trải nghiệm những lát cắt chân thực trong cuộc sống làng quê Ninh Bình.
Họ bước lên sới vật dân gian làng Bồ Vy, tự tay chèo đò trên sông Sào Khê, và tát nước trăm gầu giữa ruộng làng Khê Hạ. Có người mạnh mẽ, có người vụng về, có người phải bỏ cuộc vì… con gái òa khóc không cho bố thi đấu. Mỗi khoảnh khắc đều chân thật, gần gũi như chính cách mà người Ninh Bình vẫn sống, vẫn giữ gìn bản sắc truyền thống qua từng thế hệ.
Diễn viên Duy Hưng lần đầu lên sới vật.
Anh tài Neko Lê tập lái đò trên sông Sào Khê.
Tát nước ở làng Khê Hạ.
Giữa một chương trình truyền hình thực tế, Ninh Bình không chỉ là phông nền cho các thử thách, mà hiện lên như một miền quê kể chuyện – kể bằng trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống, bữa cơm quê, và cả nụ cười, giọt mồ hôi của người nông dân.
Ở đó, trẻ con lần đầu trải nghiệm giấc ngủ không có điều hòa. Người lớn lần đầu cúi xuống ruộng mà thấy biết ơn từng bữa cơm đủ đầy. Không gian văn hóa truyền thống không chỉ được giới thiệu, mà được chạm vào, đượcsống cùng.
Các bố con trải nghiệm cuộc sống nông dân ở làng Khê Hạ.
Có lẽ, sau khi xem chương trình, nhiều khán giả sẽ muốn về Ninh Bình - không phải chỉ để ngắm núi non hay di tích, mà để được nghe lại tiếng trống hội vang trên sân đình, nhìn con trẻ chơi cướp cờ lau, rập tranh, làm lồng đèn… Bởi giữa dòng chảy hiện đại, có những điều cần giữ lại - không chỉ cho hôm nay, mà cho mai sau.
Xem tập phát sóng “Bố ơi mình đi đâu thế?” đến Ninh Bình tại:
https://www.youtube.com/watch?v=DXXdSc1rNwc
https://www.youtube.com/watch?v=_f4_DNW3cOw&t=56s
https://www.youtube.com/watch?v=-kOTrJmFHOM
https://www.youtube.com/watch?v=sJMNwmNex2g
https://www.youtube.com/watch?v=pRRB_IHmyQc
Nguồn: VTV