Hiện nay, các địa phương đã đang thực hiện lộ trình sáp nhập xã (phường); sáp nhập tỉnh và bỏ cấp huyện. Điều này cũng đồng nghĩa, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là phòng giáo dục và đào tạo sẽ kết thúc sứ mệnh của mình. Khi không còn phòng giáo dục và đào tạo sẽ có những xáo trộn nhất định trong việc quản lý, chỉ đạo chuyên môn ở cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Bởi, công việc này sẽ chuyển cho sở giáo dục và đào tạo.
Vì thế, trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo từ năm học 2025-2026 sẽ nặng nề hơn hiện nay rất nhiều vì phải quản lý chuyên môn; quản lý nhân sự ở cả cấp mầm non, tiểu học, trung học. Trong đó, mảng chuyên môn được xem là rất quan trọng vì nếu quản lý, điều hành tốt, chất lượng giáo dục của địa phương sẽ đi lên.
Công việc này, nếu như các sở giáo dục và đào tạo chú trọng phát huy thế mạnh của đội ngũ giáo viên cốt cán hiện nay thì họ sẽ là lực lượng nòng cốt giúp cho bộ phận chuyên môn của sở thực hiện được nhiều công việc hiệu quả.
Giáo viên cốt cán ở các địa phương tham gia bồi dưỡng, tập huấn (ảnh minh họa: moet.gov.vn)
Cơ cấu của hội đồng cốt cán các môn học hiện nay đang thực hiện ra sao?
Khi còn phòng giáo dục và đào tạo, mỗi môn học sẽ thành lập hội đồng cốt cán từng cấp học. Nhân sự của phòng giáo dục sẽ có 3 chuyên viên phụ trách chuyên môn ở 3 cấp: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Những người này là tổ trưởng hội đồng cốt cán của từng cấp học.
Mỗi môn học (cấp tiểu học; trung học cơ sở); khối lớp (mầm non) của 3 cấp học này sẽ có thêm một số giáo viên cốt cán được cơ cấu mỗi môn học 2 người. Các thầy cô này được gọi là thành viên cốt cán cấp huyện. Đồng thời, họ cũng là thành viên của hội đồng cốt cán cấp tỉnh đối với môn học đó.
Chẳng hạn, khi hội đồng cốt cán của sở tổ chức triển khai nhiệm vụ đầu năm học; tổng kết cuối năm học; tập huấn chuyên môn…đối với mỗi môn học, sở sẽ điều động các thành viên cốt cán ở các huyện (mỗi huyện 2 thành viên). Sau đó, các thành viên này sẽ thực hiện họp triển khai, tập huấn đại trà lại cho các trường ở trong huyện.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực từ 10/10/2018, nhiệm vụ của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được quy định như sau:
a) Hỗ trợ, tư vấn cho đồng nghiệp trong trường hoặc các trường trên địa bàn phát triển phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, phù hợp với điều kiện nhà trường, địa phương;
b) Hỗ trợ, tư vấn cho đồng nghiệp trong trường hoặc các trường trên địa bàn các vấn đề liên quan đến đảm bảo và nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục cho học sinh; tham gia biên soạn tài liệu chuyên đề môn học, tài liệu hướng dẫn (cho giáo viên, học sinh); tổ chức hướng dẫn các đề tài nghiên cứu khoa học cho học sinh theo yêu cầu của người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông và cơ quan quản lý;
c) Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong trường hoặc các trường trên địa bàn về các hoạt động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giảng dạy môn học; về việc thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng giáo viên qua mạng internet; về bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trong trường hoặc các trường trên địa bàn; tham gia tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu hàng năm của ngành (cấp phòng, sở, Bộ);
d) Tham mưu, tư vấn cho cấp quản lý trực tiếp về công tác xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương nhằm bảo đảm mục tiêu, chất lượng dạy học, giáo dục và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên; tham gia tổ chức, báo cáo chuyên môn, nghiệp vụ tại các hội nghị chuyên đề, các buổi sinh hoạt chuyên môn của trường hoặc các trường trên địa bàn;
e) Thực hiện kết nối, hợp tác với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học giáo dục (đặc biệt là khoa học sư phạm ứng dụng).
Thực tế, mô hình này hoạt động khá hiệu quả và họ giúp cho phòng, sở truyền đạt các thông tin, cập nhật các thông từ sở, phòng về các tổ chuyên môn ở các nhà trường.
Ngoài ra, các thành viên hội đồng cốt cán cấp huyện sẽ tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên môn của phòng giáo dục khi về kiểm tra các trường học theo kế hoạch; một số thành viên tham gia chấm thi giáo viên giỏi cấp huyện; chấm thi học sinh giỏi cấp huyện.
Đặc biệt, một số thành viên còn tham gia cùng hội đồng cốt cán của sở khi tham gia ra đề thi tuyển sinh 10; thực hiện các chuyên đề thao giảng cấp tỉnh; tham gia chấm giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; chấm thi học sinh giỏi cấp tỉnh…
Hội đồng cốt cán từng bộ môn sẽ là "cánh tay nối dài" khi không còn phòng giáo dục
Tại Kết luận 137-KL/TW năm 2025, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục như sau: “Giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế và thực hiện chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, trạm y tế của đơn vị cơ sở mới để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại cơ sở và bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh trên địa bàn cơ sở….”
Tại mục 2 Nguyên tắc thực hiện có nêu “các nội dung quản lý nhà nước về giáo dục được giao cho cấp nào có đủ nguồn lực cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực để đảm bảo duy trì và phát triển sự nghiệp giáo dục, phân biệt rõ nhiệm vụ chuyên môn (giao Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp thực hiện), nhiệm vụ hành chính, địa bàn (giao Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp thực hiện), gắn phân cấp với cơ chế kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong điều kiện tốt nhất ở địa phương”.
Công văn số 1581/BGD&ĐT-GDPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hướng dẫn: “Thống nhất thực hiện nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đối với chuyên môn của ngành; bổ nhiệm, sắp xếp, điều động, biệt phái đội ngũ nhà giáo do cơ quan cấp tỉnh (sở giáo dục và đào tạo) thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh để thực hiện điều tiết chung, xử lý tình huống thừa thiếu giáo viên cục bộ”.
Điều này cũng đồng nghĩa sau khi thực hiện việc bỏ cấp huyện, sở giáo dục và đào tạo các địa phương sẽ đảm nhận việc quản lý về chuyên môn của các cấp mà lâu nay phòng giáo dục và đào tạo quản lý.
Tuy nhiên, một điều mà mọi người dễ dàng nhìn thấy là khi thực hiện sáp nhập tỉnh mới thì địa bàn rất rộng. Mỗi tỉnh có hàng ngàn trường học từ mầm non đến trung học phổ thông. Lãnh đạo, chuyên viên sở giáo dục sẽ rất khó triển khai, giám sát thực hiện nhiệm vụ chuyên môn một cách hiệu quả ở các trường học.
Vì thế, việc tư vấn, hỗ trợ và thực hiện một số nhiệm vụ ở từng môn học sẽ cần đến đội ngũ hội đồng cốt cán hiện nay. Nếu, sở giáo dục tiếp tục duy trì đội ngũ hội đồng cốt cán để làm nòng cốt cho các địa bàn, khu vực sẽ có nhiều thuận lợi.
Mỗi cụm sẽ có một vài thành viên phụ trách nhằm duy trì hoạt động chuyên môn của từng môn học. Họ sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn lâu nay; hỗ trợ bộ phận chuyên môn của sở giáo dục khi cần thiết.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dù đã thực hiện cuốn chiếu xong ở năm học 2024-2025 này nhưng vẫn còn không ít những vướng mắc, bất cập. Mỗi năm, Bộ vẫn thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và các sở cũng thường phát động các phong trào thi đua trong ngành.
Vì vậy, việc tiếp tục duy trì đội ngũ giáo viên trong hội đồng cốt cán cho từng môn học là cần thiết khi không còn phòng giáo dục.
Thực tế, các thành viên trong hội đồng cốt cán lâu nay hoạt động trên tinh thần tự nguyện, trách nhiệm là chính vì có những địa phương không hề hỗ trợ chế độ thù lao nhưng họ vẫn đang làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình đối với ngành, với địa phương mình công tác.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
NGUYỄN NGUYÊN