Bộ Quốc gia Giáo dục

Bộ Quốc gia Giáo dục
2 ngày trướcBài gốc
Khuôn viên Di tích Bộ Quốc gia Giáo dục, thôn Khuôn Trú, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa).
Trong kháng chiến, Bộ Quốc gia Giáo dục tập trung xây dựng đề án cải cách giáo dục và áp dụng đồng loạt hệ thống và chương trình giáo dục mới. Theo đó, phương châm giáo dục là phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân. Mục tiêu là giáo dục thế hệ trẻ thành người lao động trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, đủ năng lực, phẩm chất phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân. Đề án quy định bậc học phổ thông 9 năm, có bậc dự bị đại học 2 năm. Đồng thời hệ thống giáo dục Bình dân học vụ - Bổ túc văn hóa và hệ thống giáo dục chuyên nghiệp cũng được quy định rõ các cấp học, thời gian học.
Bộ Giáo dục do ông Nguyễn Văn Huyên là Bộ trưởng, ông Nguyễn Khánh Toàn là Thứ trưởng. Tổ chức của Bộ gồm: Nha tiểu học vụ, Nha trung học vụ, Nha Bình dân học vụ; Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Vụ Văn học nghệ thuật, một số phòng trực thuộc và Tạp chí Giáo dục san.
Bia Di tích Bộ Quốc gia Giáo dục, thôn Khuôn Trú, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa).
Năm 1951, Nha tiểu học vụ và Nha trung học vụ sáp nhập thành Nha Giáo dục phổ thông do ông Nguyễn Văn Hiếu làm Tổng Giám đốc. Nha Bình dân học vụ do ông Vương Khiêm Toàn làm Giám đốc, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp do ông Lê Văn Giạng làm Vụ trưởng. Tháng 2-1952, Vụ Văn học nghệ thuật hợp nhất với Nha Thông tin thành Nha Tuyên truyền Văn nghệ thuộc Phủ Thủ tướng. Trực thuộc Bộ còn có:
- Trường Ngoại ngữ Việt Bắc: Thành lập năm 1947 tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn. Đào tạo sinh viên ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Trung, tiếng Nga phục vụ kháng chiến.
- Trường Đại học Khoa học cơ bản: được thành lập năm 1950 tại xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa. Trường do Giáo sư Toán học Lê Văn Thiêm làm Hiệu trưởng. Tham gia Ban Giám hiệu có ông Nguyễn Xiển và Giáo sư Ngụy Như Kon Tum. Trường tổ chức thi tuyển tại Liên khu III và Liên khu IV, hơn 100 người trúng tuyển. Tháng 8-1951, Trường tổ chức lễ khai giảng. Tham gia giảng dạy có: Lê Văn Thiêm, Ngụy Như Kon Tum, Lê Khả Kế, Hoàng Ngọc Cang, Dương Trọng Bái... Sau khi khai giảng, học tập được 1 tháng thì Trường chuyển sang Nam Ninh, Trung Quốc.
Theo Địa chí Tuyên Quang
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/bo-quoc-gia-giao-duc-209260.html