Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT quy định về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, trong đó điểm mới đáng chú ý là nội dung “chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây; công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này”.
Đây là điểm mới được các giáo viên, phụ huynh và học sinh trên cả nước quan tâm và được nhiều lãnh đạo các trường trung học phổ thông ủng hộ.
Học sinh vùng cao khó có chứng chỉ ngoại ngữ
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lương Thị Ngọc - Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) thông tin: “Học sinh ở vùng sâu, vùng xa hay các vùng đặc biệt khó khăn thì khả năng tiếp cận ngoại ngữ rất khó. Địa phương có ít trung tâm ngoại ngữ để các em theo học và hầu như các em đều không có chứng chỉ ngoại ngữ để quy đổi sang điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông các năm trước đây. Vậy nên việc đổi mới quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đảm bảo công bằng cho các em”.
Một lớp học tại Trường Trung học Phổ thông Mèo Vạc, Hà Giang. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Hà Giang
Tương tự, thầy Nông Thế Huân - Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) cũng cho rằng, việc chứng chỉ ngoại ngữ không còn được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây là hợp lý, giúp giảm bất bình đẳng trong giáo dục giữa học sinh các vùng miền.
“Một số học sinh ở trường sử dụng tiếng phổ thông thậm chí còn chưa rõ nên việc học ngoại ngữ càng trở nên khó khăn hơn. Những năm trước, nhà trường cũng không có học sinh nào sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để quy đổi điểm trong xét tốt nghiệp trung học phổ thông”, thầy Huân chia sẻ.
Trường Trung học Phổ thông Mèo Vạc và Trường Trung học Phổ thông Đồng Văn là hai trường đều nằm ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Trong khi đó, ở Hà Giang hiện tại cũng có rất ít trung tâm ngoại ngữ, đa phần các trung tâm đều tập trung ở thành phố và thường chỉ là trung tâm Tiếng Anh cho trẻ dưới 16 tuổi. Chính vì thế, việc học sinh vùng sâu vùng xa có thể theo học tại các trung tâm Tiếng Anh và ôn luyện rồi đi thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ gần như bằng không vì không có điều kiện học tập, đi lại tham gia dự thi.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Mèo Vạc: “Hầu hết các học sinh lớp 12 ở trường đều chỉ ôn thi với mục đích tốt nghiệp trung học phổ thông nên các em cũng ít có nhu cầu học và ôn thi các chứng chỉ ngoại ngữ. Do đó, theo tôi việc vẫn áp dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi trong xét tốt nghiệp nhưng không quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ sang điểm 10 là hoàn toàn hợp lý, nhất là đảm bảo sự công bằng cho học sinh vùng cao".
Thầy Nông Thế Huân - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ Thông Đồng Văn phát biểu trong lễ khai giảng năm học 2024-2025. Ảnh: website nhà trường
Khắc phục được bất lợi cào bằng chứng chỉ IELTS 4.0 cũng như IELTS 8.0
IELTS 4.0 là trình độ ngoại ngữ trung cấp, tương đương bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, vậy nên với số điểm này người học không quá khó để đạt được. Nhiều ý kiến cho rằng thí sinh các năm trước chỉ cần có chứng chỉ từ 4.0 IELTS trở lên là đã được quy đổi thành điểm 10 sẽ dẫn đến tình trạng “cào bằng”, gây ra việc cạnh tranh thiếu công bằng cho các em học sinh có chứng chỉ IELTS 6.0, thậm chí 7.0 hay 8.0.
Thầy Trịnh Viết Lượng - Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chương Mỹ B (xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) chia sẻ: “Từ thang điểm 4.0 IELTS trở lên thì cũng có các mốc điểm như 6.0 IELTS, 7.0 IELTS hay 8.0 IELTS. Chỉ cần so sánh hai em học sinh, một em đạt 4.0 IELTS và một em đạt 8.0 IELTS cũng đã thấy được sự chênh lệch về năng lực rất lớn. Vậy nhưng cả hai đều có mức quy đổi chung là 10 điểm, điều này là một trong những bất cập. Do đó, việc bỏ quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm 10 vẫn sẽ khuyến khích việc học ngoại ngữ của học sinh nhưng hướng tới công bằng hơn trong xét tốt nghiệp".
Thầy Trịnh Viết Lượng nhận chức Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chương Mỹ B. Ảnh: website nhà trường
Bên cạnh đó, thầy Lượng cũng cho rằng "việc quy đổi điểm 10 đối với chứng chỉ ngoại ngữ còn có thể dẫn đến tình trạng học sinh đổ xô đi học ngoại ngữ tại các trung tâm chỉ để lấy chứng chỉ đủ để quy đổi điểm chứ không phải vì mục đích sử dụng lâu dài. Trong khi đó cũng rất khó để đảm bảo chất lượng giảng dạy ở tất cả các trung tâm.
Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông mới vẫn cho phép học sinh được sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi Tiếng Anh, chỉ là không quy đổi thành điểm 10 xét tốt nghiệp nữa. Điều này giúp các em học sinh có động lực học Tiếng Anh và định hướng rõ mục đích thi lấy chứng chỉ”.
Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chương Mỹ B nhấn mạnh, không phải học sinh nào cũng có điều kiện học và thi các chứng chỉ ngoại ngữ, nhất là các em ở vùng nông thôn hay vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, việc chứng chỉ ngoại ngữ không còn được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây sẽ giúp các em yên tâm học Tiếng Anh tại trường hơn. Đây cũng là động lực để các trường nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn này.
“Ở trung tâm thành phố Hà Nội hay các thành phố lớn khác thì các trung tâm ngoại ngữ rất nhiều, học sinh được tiếp cận cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn việc học sinh sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ như Tiếng Anh hay Tiếng Trung, Tiếng Nhật cũng khá hiếm. Như năm 2023, cả khối lớp 12 của trường có hơn 600 em học sinh thì cũng chỉ có 6-7 em có chứng chỉ ngoại ngữ", thầy Lượng thông tin.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chương Mỹ B, hiện nay, các nhà trường đều chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, nhất là ở bộ môn Tiếng Anh, có nhiều hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Do đó, thay vì chạy theo các trung tâm ngoại ngữ để thi lấy chứng chỉ dẫn tới áp lực, tốn kém, học sinh chỉ cần chú tâm học ngoại ngữ ở trường là hoàn toàn có thể đạt điểm cao môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
"Hiện nay trong trường các thầy cô đã được hỗ trợ các thiết bị dạy Tiếng Anh, có câu lạc bộ Tiếng Anh để các em phát triển kỹ năng ngoại ngữ. Ngoài ra, tổ bộ môn Tiếng Anh của trường cũng thường tổ chức các chuyên đề, ngoại khóa để thầy cô và học sinh nâng cao kiến thức và kỹ năng Tiếng Anh. Giáo viên Tiếng Anh trong trường giúp các em học Tiếng Anh thường xuyên hơn và mang tới lợi ích về lâu về dài chứ không phải chỉ để có chứng chỉ quy đổi điểm”, thầy Lượng nhấn mạnh.
Học sinh Trường Trung học Phổ thông Chương Mỹ B tham gia cuộc thi Hùng biện Tiếng Anh của trường. Ảnh: website nhà trường
Đồng quan điểm trên, theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đồng Văn, các trường trung học phổ thông nên có các giải pháp tạo động lực học tập cho học sinh học Tiếng Anh, đặc biệt là gắn việc học ngoại ngữ vào tình huống thực tế.
“Vì là địa phương gắn liền với du lịch, có cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng nên nhà trường vẫn luôn động viên các em học sinh tham gia câu lạc bộ Tiếng Anh trong trường hoặc khuyến khích các em nâng cao khả năng ngoại ngữ thông qua việc giao tiếp với các khách du lịch nước ngoài. Đây là cách để các em nâng cao năng lực ngoại ngữ, ứng dụng vào thực tế thay vì chỉ chạy theo thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ làm mất đi giá trị thực của việc học ngoại ngữ", thầy Nông Thế Huân nhận định.
Trịnh Chinh