Bỏ rơi con mới sinh: Khía cạnh đạo đức và hình phạt

Bỏ rơi con mới sinh: Khía cạnh đạo đức và hình phạt
3 ngày trướcBài gốc
Như PLO đã thông tin, ngày 25-3, UBND xã Tân An Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM) phát thông báo tìm người thân của một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi trên địa bàn.
Trước đó, vào khoảng 9 giờ 30 phút ngày 24-3, người dân phát hiện bé trai chưa cắt cuống rốn, chỉ quấn một chiếc khăn, nằm trên ghế đá trước số 52 đường Trần Thị Bàu (ấp Hậu, xã Tân An Hội). Nhận tin báo, lực lượng chức năng có mặt kiểm tra, xác định bé nặng 2,3 kg, khoảng hai ngày tuổi. Hiện bé đã được chuyển đến bệnh viện và sức khỏe ổn định.
Cách đó năm ngày, khuya 20-3, người dân cũng phát hiện bé gái khoảng một ngày tuổi bị bỏ rơi tại địa chỉ số 41 đường Nguyễn Thị Gắt (ấp Trảng Lắm, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi).
Bên cạnh việc bày tỏ sự thương cảm với các bé và lên án hành vi bỏ rơi con thì nhiều bạn đọc cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm pháp lý của những người có hành vi bỏ rơi con như trên.
Những câu chuyện đau lòng không nên tái diễn
Bạn đọc Thanhhien…@gmail.com bày tỏ: “Nhìn những đứa trẻ còn đỏ hỏn bị bỏ rơi giữa đường, tôi không khỏi xót xa. Các bé vừa chào đời đã chịu thiệt thòi, không có vòng tay mẹ ẵm bồng, không có hơi ấm gia đình. May mắn là các bé đã được phát hiện và đưa đến bệnh viện kịp thời, nhưng tương lai của các em sẽ ra sao nếu không có người thân đến nhận?”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Minhtran…@gmail.com nhấn mạnh trách nhiệm của bậc làm cha mẹ: “Làm cha mẹ là một trách nhiệm lớn lao. Nếu chưa sẵn sàng nuôi con, sao không tìm đến những trung tâm hỗ trợ hoặc nhờ sự giúp đỡ từ chính quyền? Việc bỏ rơi con không chỉ vi phạm đạo đức mà còn có thể vi phạm pháp luật. Một đứa trẻ không thể tự chọn nơi mình sinh ra, vậy nên cha mẹ hãy có trách nhiệm với sinh linh bé nhỏ mà mình mang đến cuộc đời”.
Dưới góc nhìn xã hội, bạn đọc QuynhHoa...@gmail.com trăn trở: “Trường hợp liên tiếp xảy ra trong vòng chưa đầy một tuần khiến tôi tự hỏi: Vì sao ngày nay vẫn còn những đứa trẻ bị bỏ rơi? Phải chăng có những bà mẹ đơn thân rơi vào cảnh bế tắc, không đủ điều kiện để nuôi con? Nếu vậy, xã hội cần có thêm những chương trình hỗ trợ bà mẹ mang thai ngoài ý muốn để họ không phải đưa ra lựa chọn đau lòng này”.
Bạn đọc Huynhhao…@gmail.com gửi lời nhắn nhủ đến giới trẻ: “Các bạn trẻ cần suy nghĩ chín chắn hơn về trách nhiệm làm cha mẹ trước khi quyết định sinh con. Nếu lỡ mang thai ngoài ý muốn, hãy tìm đến các tổ chức tư vấn hoặc người thân để được giúp đỡ, đừng để những đứa trẻ vô tội phải chịu hậu quả đau lòng”.
Bày tỏ hy vọng về sự chung tay của cộng đồng, bạn đọc Qui89…@gmail.com chia sẻ: “Dù rất buồn vì hai bé bị bỏ rơi, nhưng tôi cũng thấy ấm lòng khi biết rằng người dân và chính quyền địa phương đã kịp thời cứu giúp các bé. Hy vọng rằng sẽ có những gia đình tốt bụng sẵn sàng giang tay cưu mang, mang lại cho các bé một mái ấm trọn vẹn. Đồng thời, mong rằng xã hội sẽ có thêm nhiều biện pháp để ngăn chặn những vụ việc thương tâm như thế này trong tương lai”.
Bỏ rơi con mới sinh: Hành vi vừa vô tâm vừa vi phạm pháp luật. Ảnh: AI
Bỏ rơi trẻ sơ sinh: Sai cả tình, phạm cả lý
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Đình Thế, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định việc bỏ rơi con sơ sinh không chỉ đi ngược đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền con người và quyền trẻ em.
Thứ nhất, căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 21, Nghị định 130/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em thì cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em sẽ bị phạt tiền từ 20-25 triệu đồng.
Thứ hai, Điều 124 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ) quy định nếu người mẹ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Ngoài ra, nếu người mẹ không vì ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt, nhận thức được hành vi vứt bỏ con của của mình là rất nguy hiểm và biết trước được hậu quả của hành vi vứt bỏ con có thể tước đi mạng sống của con những vẫn cố tình để hậu quả đó xảy ra thì người mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Như vậy, hành vi bỏ rơi con mới sinh có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ và hậu quả.
TRẦN MINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/bo-roi-con-moi-sinh-khia-canh-dao-duc-va-hinh-phat-post841028.html