Nhằm bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ, chuyển đổi số giáo dục, hiện nay, ngoài sách giáo khoa giấy truyền thống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam từ lâu đã phát hành trang Hành Trang Số - nền tảng sách điện tử và học liệu điện tử. Đây là một trong những nền tảng giáo dục số tiên phong, cung cấp sách giáo khoa điện tử và các học liệu số phong phú.
Kênh tài liệu hữu hiệu này cũng giúp các em học sinh, phụ huynh có thể dễ dàng tiếp cận các cuốn sách giáo khoa, mở ra cách học tập mới. Học liệu trên nền tảng số sẽ vô cùng cần thiết, là giải pháp thay thế, hỗ trợ cho quá trình học tập của học sinh không bị gián đoạn. Từ đó, duy trì việc học tập liên tục, đặc biệt trong bối cảnh nếu bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, dịch bệnh.
Về hình thức và nội dung, sách điện tử của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được thiết kế giống y như sách giáo khoa giấy, kèm thêm những tính năng thuận tiện như làm bài tập trực tiếp, phóng to hoặc thu nhỏ trang sách, sử dụng các phương tiện hỗ trợ (audio, video, hình ảnh)... làm phong phú bài giảng của giáo viên, tăng cường động lực tìm tòi học hỏi của học sinh, khiến cho việc học trở nên thú vị và trực quan hơn.
Học liệu số giúp học sinh, phụ huynh thuận tiện tiếp cận, sử dụng (Nguồn: hanhtrangso).
Anh Dương Anh Quân – Phụ huynh có con học lớp 6 tại Ba Đình, Hà Nội, nhận thấy những ưu điểm của sách giáo khoa điện tử trong thời gian học sinh phải học trực tuyến do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
"Khi gia đình còn đang lo lắng khi khó có thể mua sách giáo khoa, thì may mắn có nguồn dữ liệu sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Việc truy cập sách rất đơn giản, dễ hiểu, đầy đủ, các con có thể dễ dàng thao tác sử dụng. Ngay cả hiện tại, con tôi vẫn có thể hoàn thành bài tập khi không ở nhà và mang theo sách", anh Quân chia sẻ.
Là người luôn tâm huyết mang công nghệ vào trong bài giảng, trao đổi với Người Đưa Tin, thầy giáo Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Tp.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho rằng sách giáo khoa điện tử là một hướng đi phù hợp, cần được nhân rộng.
Thầy giáo Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Tp.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
"Trong bối cảnh mọi thứ đều được số hóa, thì sách giáo khoa khó có thể nằm ngoài xu hướng đó. Sách điện tử sẽ có nhiều tính năng mà sách truyền thống, với nguồn lưu trữ dữ liệu lớn, những cuốn sách giáo khoa giờ đây có thể tương tác với học sinh thông qua các hình ảnh, video, bài tập đa dạng giúp việc học trở nên sinh động hơn", thầy Đào Chí Mạnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, chỉ cần một thiết bị đơn giản có kết nối internet, cả người dạy và người học đều có thể dễ dàng truy cập tài liệu. Thầy cô cũng có thể dễ dàng tùy chỉnh và cập nhật nội dung, cải thiện phương pháp giảng dạy và quản lý tiến độ học tập của học sinh.
Đặc biệt, theo thầy Mạnh sách giáo khoa điện tử cũng giúp giải quyết vấn đề mà phụ huynh quan tâm, đó là học sinh sẽ không phải mang quá nhiều sách khi đến trường.
Việc sử dụng sách giáo khoa điện tử đơn giản, thuận tiện (Nguồn: hanhtrangso).
Trong tương lai, thầy giáo mong muốn các nhà xuất bản có thể nghiên cứu, mở rộng thêm tích hợp các nguồn học liệu với trí tuệ nhân tạo. Nếu làm được, chắc chắn sẽ có tác động rất lớn với sự phát triển học tập của học sinh.
Vị Hiệu trưởng cũng đề xuất, các cơ sở đào tạo nên mạnh dạn nghiên cứu, triển khai nguồn dữ liệu sách giáo khoa điện tử mà nhà xuất bản đã cung cấp.
"Nên thử nghiệm song song, không hoàn toàn bỏ sách giáo khoa truyền thống, hay bài trừ sách giáo khoa điện tử. Đối với điều kiện từng trường, từng môn học cụ thể các thầy cô nên xen kẽ sử dụng sách giáo khoa điện tử, đây cũng là một phương pháp để tạo hứng thú cho học sinh", ông Đào Chí Mạnh cho hay.
Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm, để sách giáo khoa điện tử thực sự đem lại hiểu quả, cũng cần tính toán đến hoạt động quản lý trong quá trình sử dụng, vấn đề thị lực của học sinh cũng cần được quan tâm. Bên cạnh đó, là cách tiếp cận của mỗi giáo viên cũng cần phải được chuẩn bị.
Nguyễn Hoa Trà