Bổ sung 20.695 tỷ đồng cho Vietcombank: Cần đánh giá kỹ tác động hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước

Bổ sung 20.695 tỷ đồng cho Vietcombank: Cần đánh giá kỹ tác động hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước
5 giờ trướcBài gốc
Chính phủ đề nghị bổ sung vốn 20.695 tỷ đồng cho Vietcombank.
Chính phủ vừa có tờ trình đề nghị Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung 20.695 tỷ đồng vốn nhà nước cho Ngân hàng Vietcombank từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Thời gian thực hiện là năm 2024 và tiếp tục trong năm 2025 nếu chưa hoàn thành.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank và cơ bản nhất trí với mức vốn, nguồn vốn đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank theo đề xuất của Chính phủ.
Tuy vậy, để có căn cứ đánh giá một cách toàn diện, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nêu rõ thêm ý kiến của cổ đông chiến lược nước ngoài là Ngân hàng Mizuho Corporate Bank (đang nắm giữ 15% vốn điều lệ của Vietcombank), bảo đảm sự đồng thuận.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn cơ cấu sử dụng vốn được đầu tư bổ sung tại Vietcombank trên cơ sở bảo đảm phù hợp, thống nhất với mục đích đầu tư bổ sung vốn nhà nước, trong đó trọng tâm mở rộng hoạt động kinh doanh, cung ứng tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các dự án quan trọng quốc gia có quy mô lớn, thực thi các chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong định hướng giảm mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế; đồng thời, tiếp tục đổi mới mô hình quản trị hiện đại, đầu tư công nghệ số, cải thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng, thấu đáo hơn đối với hiệu quả việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, trong đó tác động tới chính ngân hàng, tới sự phát triển của ngành ngân hàng và hiệu quả kinh tế của vốn đầu tư.
Cũng có ý kiến đề nghị làm rõ nhận định “nguồn vốn Vietcombank đề xuất để tăng vốn điều lệ không có tác động đến ngân sách nhà nước” nêu tại Tờ trình của Chính phủ.
Trong Tờ trình, Chính phủ cho rằng, việc bổ sung vốn 20.695 tỷ đồng cho Vietcombank sẽ không có tác động đến ngân sách nhà nước.
Cụ thể, theo quy định Khoản 5 Điều 23 Nghị định 93/2017/NĐ-CP, đối với tổ chức tín dụng không phải là tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, việc phân chia phần lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ do tổ chức tín dụng tự quyết định.
Đối với tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, người đại diện phần vốn nhà nước tại ngân hàng phải xin ý kiến NHNN việc phân chia phần lợi nhuận còn lại trước khi biểu quyết tại ĐHĐCĐ. Ngân hàng Nhà nước phải lấy ý kiến thống nhất với Bộ Tài chính việc phân chia phần lợi nhuận còn lại để chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại ngân hàng biểu quyết tại ĐHĐCĐ.
Trên cơ sở đề xuất của Vietcombank, ý kiến của Bộ Tài chính về việc phân phối lợi nhuận của Vietcombank, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietcombank đối với việc phân phối lợi nhuận hàng năm. Theo đó, Vietcombank đã nộp ngân sách nhà nước đúng quy định đối với phần cổ tức chia bằng tiền mặt cho cổ đông nhà nước, phần lợi nhuận còn lại sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt đang được giữ lại tại ngân hàng để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và đã trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính, phát huy vai trò quan trọng là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường trong ngành ngân hàng.
Khoản 1 Điều 13 và khoản 1 Điều 35 của Luật Ngân sách nhà nước quy định “Thu, chi ngân sách nhà nước được hạch toán bằng đồng Việt Nam (khoản 1 Điều 13); nguồn thu của ngân sách trung ương bao gồm “thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần” (khoản 1 Điều 35). Như vậy, phần cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền mặt tại công ty cổ phần được xác định là khoản thu của ngân sách nhà nước.
Phần lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2018 và năm 2021 của Vietcombank là lợi nhuận còn lại sau khi đã nộp thuế, trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt, hiện được hạch toán, theo dõi tại Vietcombank và không phải khoản mục thu ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, Chính phủ cho rằng, nguồn vốn Vietcombank đề xuất để tăng vốn điều lệ không tác động đến ngân sách nhà nước.
T.L
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/bo-sung-20695-ty-dong-cho-vietcombank-can-danh-gia-ky-tac-dong-hieu-qua-von-dau-tu-cua-nha-nuoc-d227830.html