Bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển y tế tư nhân

Bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển y tế tư nhân
6 phút trướcBài gốc
Phát biểu tại cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp sáng 4/10, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam - khẳng định: Trong hơn 20 năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách xã hội hóa của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ các ban, bộ, ngành trung ương, nhất là Bộ Y tế, lĩnh vực y tế tư nhân có tốc độ phát triển nhanh chóng, góp phần giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, cùng ngành y tế nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho người dân được hưởng quyền lợi khi đi khám chữa bệnh.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc
Tính đến ngày 30/9/2024, cả nước đã có 372 bệnh viện tư nhân trong tổng số có 1.527 bệnh viện được cấp giấy phép hoạt động, chiếm 23,84% so với bệnh viện công lập.
Nhiều bệnh viện đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, tăng quy mô giường bệnh, áp dụng nhiều kỹ thuật cao, công nghệ mới trong điều trị.
"Nhiều kỹ thuật cao trước đây chỉ làm được ở các bệnh viện nước ngoài, bệnh viện tuyến cuối hay bệnh viện công lập thì nay đã được thực hiện thường quy ở nhiều bệnh viện tư nhân, tạo thuận lợi cho người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương", ông Đệ nhấn mạnh và cho biết, y tế tư nhân cũng đã tham gia, thực hiện tốt công tác y tế dự phòng và chăm lo chính sách an sinh xã hội.
Từ quan điểm, chủ trương của Đảng về xã hội hóa lĩnh vực y tế, đặc biệt kể từ khi có Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo thuận lợi để thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, hiện tại quy định pháp luật về đầu tư y tế tư nhân vẫn còn chồng chéo, không nhất quán trong thực hiện chính sách thu hút đầu tư, chính sách sử dụng đất đai.
Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%, đến năm 2030, tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%. Tuy nhiên, hiện tại y tế tư nhân mới đạt khoảng 8%.
Do vậy, để đạt mục tiêu Nghị quyết 20-NQ/TW đặt ra, thay mặt Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đệ đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện ban hành các chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực y tế mang tính đồng bộ, trong đó đối với các dự án đầu tư bệnh viện tư nhân thống nhất chỉ nên áp dụng thực hiện theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, thuộc đối tượng được Nhà nước thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê không thu tiền sử dụng đất trong suốt thời gian thực hiện dự án; không phải thực hiện trình tự đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất, đảm bảo công bằng như dự án bệnh viện công lập.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động lựa chọn, chỉ định nhà đầu tư có đủ năng lực, uy tín, trách nhiệm để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở y tế trên địa bàn, góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, nâng số lượng bệnh viện và giường bệnh trong cả nước, tạo môi trường bình đẳng, không phân biệt trong đầu tư xây dựng cơ sở y tế công lập và tư nhân.
Chí Tâm
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bo-sung-co-che-chinh-sach-khuyen-khich-phat-trien-y-te-tu-nhan-350264.html