Cần mở rộng diện chịu Thuế Thu nhập cá nhân.
Tạo sự công bằng
Bộ Tài chính đang tổng hợp các ý kiến đóng góp, tiến hành nghiên cứu, đánh giá toàn diện về Luật thuế TNCN và báo cáo lên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để xem xét sửa đổi theo chương trình xây dựng luật. Chính sách thuế Luật thuế TNCN thay thế được kỳ vọng sẽ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Góp ý với dự án Luật Thuế TNCN thay thế, Ban Chính sách (Cục Thuế) cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số và các hình thức kinh doanh mới như thương mại điện tử, đầu tư tài sản kỹ thuật số, làm việc tự do… đã tạo ra nhiều nguồn thu nhập mà pháp luật thuế hiện hành chưa kịp điều chỉnh. Việc để những khoản thu nhập này ngoài diện điều chỉnh không chỉ gây thất thu thuế mà còn tạo ra sự bất công bằng giữa các cá nhân có thu nhập.
Ngoài việc bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế, cần thiết phải xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả đối với các nguồn thu nhập mới, nhất là các hoạt động trên môi trường điện tử và xuyên biên giới, nhằm xác định đúng và đủ nghĩa vụ thuế của từng cá nhân.
Hiện nay, một số quốc gia dù chưa công nhận tài sản kỹ thuật số trong các văn bản pháp lý chính thức vẫn đã tiến hành thu thuế TNCN đối với thu nhập từ loại tài sản này. Tại Việt Nam, số lượng người dân tiếp cận và tham gia đầu tư vào tài sản kỹ thuật số nằm trong nhóm cao của khu vực, hoạt động đầu tư này ngày càng mở rộng và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho cá nhân.
Theo dự báo của Hãng nghiên cứu BCG và thực tế thị trường, có khoảng 17 triệu người Việt Nam đang nắm giữ tài sản số. Theo báo cáo “Global Crypto Adoption Index 2024” của Chainalysis, Việt Nam xếp thứ 5 toàn cầu về sở hữu tiền số. Các quốc gia trong top 5 bao gồm Ấn Độ, Nigeria, Indone-sia, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Trong bối cảnh giao dịch tiền số phổ biến, việc bổ sung các quy định về thuế TNCN đối với tài sản kỹ thuật số là bước đi cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và yêu cầu hiện đại hóa hệ thống thuế.
Thực tiễn đã chứng minh, việc thực hiện Luật Thuế TNCN đã góp phần đảm bảo tính hợp lý, công bằng, hiệu quả của hệ thống chính sách thuế và hạn chế sự gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư; đồng thời, Nhà nước cũng nắm được thông tin về thu nhập của cá nhân góp phần phòng chống tham nhũng, vi phạm pháp luật. Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN của Bộ Tài chính đang nhận được sự ủng hộ từ giới chuyên gia kinh tế, khi phản ánh đúng yêu cầu của thực tiễn trong bối cảnh thị trường xuất hiện ngày càng nhiều loại hình tài sản và thu nhập mới có giá trị lớn. Các chuyên gia cho rằng, nếu không có khung pháp lý điều chỉnh rõ ràng, minh bạch, Nhà nước có nguy cơ thất thu ngân sách nghiêm trọng, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng trong nghĩa vụ thuế giữa các cá nhân.
Minh bạch là nguyên tắc trọng tâm
Theo PGS.TS Phan Hữu Nghị - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân, đối với thuế TNCN – một sắc thuế trực thu, cần đặc biệt đảm bảo nguyên tắc công bằng theo chiều dọc, tức là thuế phải phản ánh đúng khả năng nộp thuế của từng cá nhân.
Ông Nghị cũng nhấn mạnh, minh bạch tài chính là nguyên tắc trọng tâm trong bối cảnh hiện đại. Để làm được điều này, Nhà nước cần kiểm soát được dòng tiền và điểm đến của các khoản thu nhập, đồng thời đảm bảo chính sách được áp dụng thống nhất, không gây ra sự tùy tiện trong thực thi. Công tác quản lý cần được tập trung và chuyên nghiệp hóa hơn, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế số ngày càng phức tạp.
Có thể khẳng định, việc mở rộng diện thu nhập chịu thuế không chỉ là một bước điều chỉnh kỹ thuật mà còn là biểu hiện của quá trình hiện đại hóa chính sách thuế, hướng tới một hệ thống thuế công bằng, minh bạch và thích ứng với kỷ nguyên kinh tế số toàn cầu.
Theo các chuyên gia, hiện nay có những giao dịch liên quan đến tài sản số. Về nguyên tắc, các giao dịch đó cũng như các hàng hóa khác phải nộp thuế. Chúng ta có thuế giá trị gia tăng đối với lĩnh vực này, nếu đây được coi là tài sản thì Nhà nước có thể thu thuế giao dịch, thuế thu nhập. Đây cũng là nhu cầu rất chính đáng từ thực tiễn.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, khi tài sản số được đưa vào Luật Công nghiệp công nghệ số, hay nói cách khác chúng ta thừa nhận tài sản số như một loại tài sản thì chúng ta hoàn toàn có căn cứ để thực hiện thu thuế dựa trên pháp luật thuế của chúng ta. Tương tự Việt Nam có Luật Thuế giá trị gia tăng VAT để chúng ta điều tiết, giao dịch các tài sản.
Tài sản số không chỉ là những con số mang tính chất quy mô về dòng tiền dịch chuyển về Việt Nam, mà còn có quy mô cạnh tranh khu vực. Rất nhiều quốc gia trong khu vực ban hành luật lệ, chính sách để thúc đẩy tạo ra hành lang pháp lý cho những dòng tài sản này đóng góp vào nền kinh tế mang giá trị tích cực.
Cũng có ý kiến cho rằng, tính khả thi trong tổ chức thực hiện cũng được đặt ra như một yếu tố quyết định sự thành công của chính sách. Phần lớn người nộp thuế là cá nhân không có hệ thống kế toán chuyên nghiệp, nên nếu thủ tục kê khai, tính thuế quá phức tạp sẽ dễ dẫn tới sai sót, thậm chí trốn thuế. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể, đơn giản hóa quy trình và tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức tuân thủ của người dân.
H.Hương