Bổ sung hàng loạt trường hợp được miễn, giảm, tạm dừng đóng phí công đoàn?

Bổ sung hàng loạt trường hợp được miễn, giảm, tạm dừng đóng phí công đoàn?
3 giờ trướcBài gốc
Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), về việc gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài, tại Tờ trình số 07/TTr-TLĐ, cơ quan soạn thảo trình Quốc hội 2 phương án và lựa chọn phương án 1 là bổ sung quyền gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam của người lao động là người nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam.
Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và ý kiến của cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định “người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập công đoàn, hoạt động tại công đoàn cơ sở”...
Ngoài ra, khoản 5 Điều 4 của dự thảo Luật đã quy định cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam, do đó, người lao động là người nước ngoài không thể trở thành cán bộ công đoàn.
Quốc hội nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi
Về việc gia nhập công đoàn của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong khi Chính phủ chưa ban hành Nghị định hướng dẫn về trình tự, thủ tục thành lập hoặc giải thể tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động, để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, Điều 6 của dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định các điều kiện chặt chẽ như: bổ sung quy định về hồ sơ gia nhập, trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam; quy định trách nhiệm, hệ quả pháp lý khi gia nhập Công đoàn Việt Nam và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Về giám sát của Công đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định về quyền giám sát của Công đoàn theo hướng: Tách nội dung tham gia giám sát tại Điều 15 của dự thảo Luật để gộp vào Điều 16 về giám sát của Công đoàn; Quy định giám sát của Công đoàn bao gồm hoạt động tham gia, phối hợp giám sát với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát và hoạt động chủ trì giám sát; Hoạt động tham gia, phối hợp giám sát thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan…
Về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 30 quy định về các trường hợp được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.
Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 31 theo hướng: Bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; Rà soát nhiệm vụ chi kinh phí công đoàn bảo đảm bao quát và đầy đủ hơn; Không quy định trong Luật việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động để bảo đảm linh hoạt, hài hòa; Bổ sung quy định “Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn”; Giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Về tài sản công đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý theo hướng liệt kê cụ thể tài sản của công đoàn và thể hiện tại khoản 1 Điều 32 của dự thảo Luật.
Huệ Linh
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/bo-sung-hang-loat-truong-hop-duoc-mien-giam-tam-dung-dong-phi-cong-doan-post593440.antd