Nhiều mặt hàng tiêu dùng tiếp tục được giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đến hết năm 2026. Ảnh: Ngọc Liên
Cụ thể, từ ngày 1-7-2025 đến 31-12-2026 sẽ áp dụng giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than). Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).
Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại NĐ 174 được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định của Luật Thuế GTGT thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT và không được giảm GTGT.
Mức giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8%. Trong đó, cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại NĐ 174. Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT theo quy định.
Như vậy, so với các lần giảm thuế GTGT trước, NĐ 174 lần này có nhiều điểm mới. Đặc biệt, mở rộng đối tượng được giảm thuế GTGT (từ 10% còn 8%) cho các lĩnh vực như: kinh doanh vận chuyển, logistics, sản phẩm hóa chất, dịch vụ công nghệ thông tin.
Năm 2024, tỉnh Đồng Nai (cũ) thực hiện giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% theo quy định khoảng 446 tỷ đồng. Việc giảm thuế GTGT sẽ giúp người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng sự ổn định, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Ngọc Liên