Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về Luật Thanh tra (sửa đổi).
Tại tờ trình, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo đã kế thừa và đổi mới quá trình sắp xếp hệ thống thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất về một đầu mối ở 2 cấp: Trung ương và địa phương.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Quốc hội
Theo đó, bố cục Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 9 chương và 64 điều, trong đó lược bỏ hoàn toàn quy định về thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra sở, thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành... Đồng thời bổ sung nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho các cơ quan thanh tra.
Thanh tra Chính phủ cho biết dự thảo luật sửa đổi đã cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, thông qua lược bỏ 54 điều của Luật Thanh tra năm 2022.
Cụ thể, cắt giảm các thủ tục của 12 Thanh tra bộ, 5 thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 696 thanh tra huyện, 1.001 thanh tra sở và 53 cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện.
Giảm bớt một số thủ tục hành chính trong hoạt động thanh tra, như: việc ban hành kế hoạch thanh tra, điều chỉnh kế hoạch thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra…
Thanh tra không chia theo tên gọi
Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh dự thảo chỉ thống nhất tên gọi một hoạt động thanh tra nói chung, không chia thành thanh tra chuyên ngành hay hành chính.
“Trước đây có thanh tra của bộ, ngành, sau khi sáp nhập lại thì chỉ còn thanh tra nói chung”, ông Đoàn Hồng Phong cho biết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thay mặt Ủy ban Thường vụ kết luận, dự án luật cơ bản đã bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; cơ bản tán thành các nội dung chính do Chính phủ đề xuất. Ông đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến thẩm tra, đóng góp để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, trong đó tập trung thiết kế, thuyết minh tránh hiểu nhầm về việc không bỏ chức năng thanh tra chuyên ngành.
“Lực lượng thanh tra hiện nay đủ khả năng làm tốt thanh tra sâu, rộng bất kỳ vấn đề gì khi thấy cần thiết, không cần chia theo tên gọi”, ông Định nói.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí giao Chính phủ xử lý việc trùng lặp chồng chéo giữa các cơ quan thanh tra, hoạt động thanh tra, giám sát đảm bảo không gây phiền hà cho đối tượng được kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Thế Vinh