Nghị định 187/2025/NĐ-CP bổ sung thêm một mục riêng quy định về xây dựng, ban hành quyết định của UBND cấp tỉnh vào sau Mục 3 tại Nghị định số 78/2025/NĐ-CP.
Cụ thể, bổ sung Điều 51a về soạn thảo quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh phân công hoặc trên cơ sở đăng ký của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cơ quan quân sự, Công an tỉnh, thành phố, cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh phân công cơ quan chủ trì soạn thảo quyết định. Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm:
Đánh giá việc thi hành pháp luật ở địa phương để xác định nội dung phân cấp và biện pháp chỉ đạo, điều hành của UBND, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh;
Tổ chức việc soạn thảo; đăng tải hồ sơ dự thảo quyết định trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trong thời gian ít nhất là 10 ngày để lấy ý kiến;
Tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo quyết định; lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, trong đó phải lấy ý kiến của Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ;
Tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và hoàn thiện hồ sơ dự thảo văn bản.
Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý kiến đối với dự thảo, đối với quyết định ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn là 3 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý kiến. Trong đó, Sở Tài chính có ý kiến về nguồn tài chính; Sở Nội vụ có ý kiến về việc phân cấp, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp và nguồn nhân lực; Sở Tư pháp có ý kiến về tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật; Sở Khoa học và Công nghệ có ý kiến về việc ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Hồ sơ dự thảo quyết định để lấy ý kiến, bao gồm dự thảo các tài liệu sau đây: Tờ trình; Dự thảo quyết định; Bản đánh giá thủ tục hành chính, việc phân cấp, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, việc ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (nếu có).
Bổ sung Điều 51b về thẩm định dự thảo quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Cơ quan chủ trì soạn thảo gửi văn bản đề nghị thẩm định kèm hồ sơ thẩm định, trong đó các báo cáo được ký và đóng dấu, dự thảo văn bản được đóng dấu giáp lai, các tài liệu khác được đóng dấu treo của cơ quan chủ trì soạn thảo. Hồ sơ được gửi bằng bản điện tử và 1 bản giấy, bao gồm: tài liệu quy định tại khoản 3 Điều 51a của Nghị định này và bản tổng hợp ý kiến tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý.
Sở Tư pháp tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ dự thảo quyết định. Trường hợp hồ sơ không đúng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Sở Tư pháp thẩm định dự thảo quyết định trước khi trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Sở Tư pháp tự thẩm định hoặc tổ chức hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định hoặc lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản. Trường hợp tổ chức hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định, Sở Tư pháp mời đại diện Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Khoa học và Công nghệ, cơ quan, tổ chức có liên quan; chuyên gia, nhà khoa học (nếu có) tham gia cuộc họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định.
Trường hợp phải thẩm định gấp theo yêu cầu của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Sở Tư pháp thẩm định nội dung quy định tại các điểm a, c, d và e khoản 6 Điều này.
Trường hợp thành lập hội đồng thẩm định hoặc tổ chức cuộc họp thẩm định thì thành viên hội đồng thẩm định hoặc người tham gia cuộc họp thẩm định có trách nhiệm:
Nghiên cứu dự thảo văn bản, phát biểu ý kiến thẩm định và thể hiện rõ ý kiến về việc dự thảo văn bản đủ hay chưa đủ điều kiện trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh;
Chịu trách nhiệm về ý kiến thẩm định thuộc phạm vi quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực của cơ quan mình. Trong đó, đại diện Sở Tài chính có ý kiến về nguồn tài chính; đại diện Sở Nội vụ có ý kiến về việc phân cấp, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp và nguồn nhân lực; Sở Khoa học và Công nghệ có ý kiến về việc ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;
Trường hợp không thể tham gia cuộc họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định, thành viên hội đồng thẩm định, người được cử tham gia cuộc họp thẩm định phải gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản đến Sở Tư pháp trong thời hạn chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày tổ chức cuộc họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định. Trường hợp thẩm định gấp theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì thời hạn gửi ý kiến thẩm định theo đề nghị của Sở Tư pháp. Hết thời hạn gửi ý kiến bằng văn bản mà không có ý kiến được hiểu là nhất trí với dự thảo.
Hội đồng thẩm định chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi kết thúc cuộc họp hội đồng thẩm định…
Ngoài ra, Nghị định 187/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung quy định về xây dựng, ban hành Nghị quyết của HĐND cấp xã và quyết định của UBND cấp xã...
TTXVN/Báo Tin tức và Dân tộc