Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 42, sáng 7/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 09 chương, 46 điều, giảm 04 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8.
Với một số vấn đề lớn chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng đối với nhân viên trường học, nhà giáo nghỉ hưu tham gia thỉnh giảng, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng: Khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật Nhà giáo đã quy định rõ về đối tượng nhà giáo thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này theo các tiêu chí "được tuyển dụng", "làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục", "trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân".
Theo quan điểm xây dựng của Luật Nhà giáo và quy định Luật Giáo dục, nhà giáo phải là những người trực tiếp làm nhiệm vụ giảng dạy, không bao gồm các nhân viên trường học.
Nhà giáo đã nghỉ hưu có thể tham gia thực hiện các hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo với tư cách là nhà giáo thỉnh giảng hoạt động theo quy định Luật Giáo dục (trường hợp nhà giáo đã nghỉ hưu tại khu vực công lập, nếu được cơ sở giáo dục ngoài công lập tuyển dụng và đang tham gia giảng dạy thì thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật).
Các đại biểu tham dự phiên họp
Về quyền của nhà giáo (Điều 8), có ý kiến đề nghị bổ sung quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ của cơ sở giáo dục đại học. Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Hiện nay, Luật Giáo dục đại học quy định cơ sở giáo dục đại học được phép thành lập doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật liên quan như Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng, chống tham nhũng, viên chức không được phép tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Cụ thể, Luật Viên chức quy định, viên chức được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác (Khoản 3 Điều 14).
Để tháo gỡ hạn chế, bất cập trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc các cơ sở giáo dục đại học, cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất bổ sung vào điểm b khoản 2 Điều 8 quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
PVH