Kết quả tổng hợp cho thấy, đối với tài sản công là tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, về phía các Bộ, cơ quan Trung ương, có 19 Bộ, cơ quan Trung ương (cả Hội) đã đăng ký đối tượng kiểm kê. Trong đó, các Bộ, cơ quan Trung ương có số lượng đơn vị đăng ký nhiều gồm: Bộ Tài chính (150 đơn vị), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (133 đơn vị), Bộ Giáo dục và Đào tạo (129 đơn vị), Bộ Y tế (122 đơn vị)…
Có 5 Bộ, cơ quan Trung ương (cả Hội) chưa đăng ký đối tượng kiểm kê: Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam. Đối với địa phương, có 57 địa phương đã đăng ký đối tượng kiểm kê, có 1 địa phương chưa đăng ký đối tượng kiểm kê là Vĩnh Phúc.
Hội nghị triển khai một số quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi, bổ sung) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Đối với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng, về phía các Bộ ngành, cơ quan Trung ương: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực hiện chế độ báo cáo, chưa đăng ký đối tượng kiểm kê với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi. Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện chế độ báo cáo, đăng ký đối tượng kiểm kê đối với tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải, chưa đăng ký đối tượng kiểm kê đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông khác. Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam chưa thực hiện chế độ báo cáo, chưa đăng ký đối tượng kiểm kê với nhóm tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa thể thao.
Đối với địa phương, có 34 địa phương đã đăng ký đối tượng kiểm kê đối với 4-5 nhóm tài sản kết cấu hạ tầng như đường bộ, đường thủy nội địa, hạ tầng cấp nước sạch, chợ, Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, đê điều. Có 11 địa phương chưa đăng ký đối tượng kiểm kê đối với cả 18 loại tài sản kết cấu hạ tầng.
Tại Hội nghị triển khai một số quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi, bổ sung) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết: Thời gian vừa qua, Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Trong bài viết của Tổng Bí thư về chống lãng phí, rất nhiều nội dung yêu cầu nhận diện các lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, các định hướng và giải pháp cho công việc phòng, chống lãng phí.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng liên tục có các công điện về việc quản lý, sử dụng đối với tài sản nhà, đất dôi dư không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích hoặc sử dụng không hiệu quả.
Liên quan tới việc ban hành các văn bản mới về quản lý tài sản công, trong năm 2024 riêng Bộ Tài chính được giao hoàn thiện và xây dựng mới 26 Đề án, trong đó có 1 Luật, 16 Nghị định, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 7 Thông tư của Bộ Tài chính.
Đến thời điểm hiện nay đã ký ban hành được 18 văn bản, trong đó có 1 Luật, 9 Nghị định, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 6 Thông tư của Bộ Tài chính. Hiện nay còn 8 văn bản trong quá trình hoàn tất thủ tục cuối cùng để ký ban hành.
Bảo Thoa