Bộ Tài chính có 34 đơn vị đầu mối từ 1/7

Bộ Tài chính có 34 đơn vị đầu mối từ 1/7
10 giờ trướcBài gốc
Kể từ ngày 1/7/2025, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính được sắp xếp gồm 34 đơn vị trực thuộc gồm 29 tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; 4 đơn vị sự nghiệp công lập và 1 đơn vị có tính chất đặc thù. Đối với các tổ chức hành chính, Nghị định số 166/2025/NĐ-CP đã tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hợp nhất Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân và Vụ Ngân sách nhà nước thành Vụ Ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, thực hiện tổ chức lại Vụ Đầu tư thành Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư và Vụ Phát triển hạ tầng.
Các đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm: Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính; Báo Tài chính - Đầu tư; Tạp chí Kinh tế - Tài chính; Trường Bồi dưỡng cán bộ Kinh tế - Tài chính. Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đặc thù thuộc Bộ Tài chính. Theo đó, trên cơ sở rà soát, Nghị định đã tách công tác bồi dưỡng công chức, viên chức của Bộ Tài chính ra khỏi Học viện Chính sách và Phát triển để tổ chức thành lập Trường Bồi dưỡng cán bộ Kinh tế - Tài chính. Đối với Học viện Chính sách và Phát triển sẽ tiếp tục hoạt động theo quy định pháp luật; Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Học viện Chính sách và Phát triển vào danh sách đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức lại các tổ chức ngành dọc đặt tại địa phương để phù hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Cục Thuế, Cục Thống kê, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức và hoạt động theo 03 cấp: Cấp trung ương, cấp tỉnh (Thuế, Thống kê, Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), cấp cơ sở (Thuế, Thống kê, Bảo hiểm xã hội cơ sở quản lý địa bàn một số xã, phường, đặc khu). Cục Hải quan tổ chức và hoạt động theo 03 cấp: Cấp trung ương, cấp tỉnh (20 Chi cục Hải quan khu vực), Hải quan cửa khẩu/ngoài cửa khẩu. Kho bạc Nhà nước tổ chức và hoạt động theo 02 cấp: Cấp trung ương, cấp tỉnh (20 Kho bạc Nhà nước khu vực). Cục Dự trữ Nhà nước tổ chức và hoạt động theo 02 cấp: Cấp trung ương, cấp tỉnh (15 Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực).
Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính; quy định số lượng các đơn vị thuộc Thuế, Thống kê, Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục Hải quan, Chi cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước khu vực.
Cơ cấu tổ chức
1. Vụ Ngân sách nhà nước.
2. Vụ Phát triển hạ tầng.
3. Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư.
4. Vụ Tài chính - Kinh tế ngành.
5. Vụ Quốc phòng, an ninh, đặc biệt (Vụ I).
6. Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ.
7. Vụ Quản lý quy hoạch.
8. Vụ Các định chế tài chính.
9. Vụ Tổ chức cán bộ.
10. Vụ Pháp chế.
11. Văn phòng.
12. Cục Quản lý nợ và Kinh tế đối ngoại.
13. Cục Quản lý công sản.
14. Cục Quản lý đấu thầu.
15. Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.
16. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.
17. Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán.
18. Cục Quản lý giá.
19. Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước.
20. Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể.
21. Cục Đầu tư nước ngoài.
22. Cục Kế hoạch - Tài chính.
23. Cục Công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
24. Cục Thuế.
25. Cục Hải quan.
26. Cục Dự trữ Nhà nước.
27. Cục Thống kê.
28. Kho bạc Nhà nước.
29. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
30. Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính.
31. Báo Tài chính - Đầu tư
32. Tạp chí Kinh tế - Tài chính.
33. Trường Bồi dưỡng cán bộ Kinh tế - Tài chính.
34. Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Hải Nam
Nguồn TCDN : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/bo-tai-chinh-co-34-don-vi-dau-moi-tu-1-7-d59580.html