Bộ Tài chính nêu loạt giải pháp thúc tiến độ giải ngân đầu tư công

Bộ Tài chính nêu loạt giải pháp thúc tiến độ giải ngân đầu tư công
17 giờ trướcBài gốc
Mức giải ngân thấp nhất trong nhiều năm
Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn giao năm 2025 là 923.030,5 tỷ đồng. Bao gồm: Kế hoạch Thủ tướng giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đầu tư công được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm được lãnh đạo Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh.
Thế nhưng, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng vốn giải ngân đạt 128.512,9 tỷ đồng, tương đương 14,32% kế hoạch năm và 15,56% kế hoạch do Thủ tướng giao.
% theo tổng kế hoạch
Năm 2021
21.5
Năm 2022
18.48
Năm 2023
14.66
Năm 2024
16.41
Năm 2025
14,32
Tỷ lệ này thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2021, 2022, 2024, khi lần lượt đạt 21,5%, 18,48%, 16,41% tổng kế hoạch. Riêng năm 2023 chỉ đạt mức giải ngân đạt 14,66% do ảnh hưởng của Covid-19.
Hàng loạt khó khăn, vướng mắc
Điều này cho thấy, giải ngân đầu tư công đang "hụt hơi". Theo đánh giá từ Bộ tài chính, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án.
Liên quan đến cơ chế chính sách, bộ này cho hay, việc lập, xác định chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn của dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng gặp nhiều khó khăn do nhiều lĩnh vực không có quy định cụ thể về định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 đã có hiệu lực thi hành, song các quy định, hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh chưa rõ, nên ảnh hưởng đến việc giải phóng mặt bằng các dự án.
Ngoài ra, do quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy, các cơ quan trung ương và địa phương phải tạm dừng khởi công mới một số dự án, hoặc đang trong quá trình rà soát để điều chỉnh quy mô, phạm vi đầu tư dự án, dẫn đến không tiếp tục bố trí vốn thực hiện dự án để tránh lãng phí.
Chủ đầu tư được yêu cầu xây dựng kế hoạch giải ngân và báo cáo tiến độ giải ngân theo từng tháng, quý (Ảnh minh họa).
Đáng chú ý, việc thay đổi trong trách nhiệm, quyền hạn, quy trình quản lý dự án tại địa phương do không duy trì cấp huyện và các cơ quan chức năng mới sau sắp xếp, sáp nhập cũng là nguyên nhân làm cho công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng, công tác thanh toán, quyết toán phải kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án của trung ương và địa phương do các đơn vị cấp huyện là tổ chức chủ chốt triển khai công tác này…
Để đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu trên 100% kế hoạch Thủ tướng giao, Bộ Tài chính đề xuất duy trì việc thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Bộ này cũng yêu cầu, chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch giải ngân và báo cáo tiến độ giải ngân theo từng tháng, quý, làm cơ sở để rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án giải ngân chậm để bổ sung cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược…
Đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu… Bộ Tài chính đề xuất, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc...
Hồng Hạnh
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/giai-ngan-dau-tu-cong-dang-hut-hoi-192250506163755454.htm