Bộ Tài chính cho biết tháng 12/2024, Bộ nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang về việc nghiên cứu chuyển hình thức bắt buộc mua bảo hiểm của chủ xe mô tô, xe máy sang hình thức tự nguyện và không ép buộc người dân phải mua bảo hiểm này.
Theo cử tri, người mua bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục bảo hiểm nếu có sự kiện phát sinh.
Trả lời kiến nghị trên, Bộ Tài chính dẫn số liệu thống kê, số lượng xe máy tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới 6 tháng đầu năm 2024 chỉ có khoảng 6,5 triệu xe, chiếm khoảng 9% số lượng xe lưu hành là 72 triệu chiếc.
Mức phạt với người đi xe máy không có bảo hiểm bắt buộc được nâng lên gấp rưỡi so với trước đây (từ 100-200 nghìn, nâng lên 200-300 nghìn đồng), áp dụng từ 1/1/2025. Ảnh minh họa.
Tại Việt Nam, mô tô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất Việt Nam, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn.
Trên thế giới, hầu hết quốc gia đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy và thậm chí có quốc gia áp dụng cả với xe đạp điện.
Tại Việt Nam, loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm cả ô tô, xe máy) được thực hiện từ năm 1988 và hiện đang thực hiện theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023 và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024.
Với mức phí bảo hiểm đối với xe máy từ 55.000-60.000 đồng/năm, khi không may gây tai nạn đối với bên thứ ba về sức khỏe, tính mạng, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả cho người thứ ba tối đa 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn.
Theo Nghị định 168/2025, mức xử phạt của người lái xe máy không có giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc là từ 200-300 nghìn đồng, tăng gấp rưỡi so với mức phạt trước đây (từ 100-200 nghìn đồng).
Lam Anh