Nguồn: Nghị định số 29/2025/NĐ-CP Đồ họa: Phương Anh
Công việc sau hợp nhất rất lớn nhưng không vướng mắc
Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhiều lĩnh vực quan trọng, từ chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, đầu tư phát triển, đầu tư kinh doanh, cho đến các lĩnh vực như ngân sách nhà nước, nợ công, tài sản công, thuế, hải quan, đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp…
Đến thời điểm này, với cơ cấu tổ chức bộ máy mới, Bộ Tài chính đang hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo ông Mai Ngọc Bích - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính), sau hợp nhất, Bộ có tổng cộng 35 đơn vị đầu mối, với gần 9 vạn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Sau khi sắp xếp, số đầu mối giảm 3.600 đơn vị, tương ứng 37,7%.
"Công việc sẽ ngày càng tốt lên"
Việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế nhằm hướng tới bộ máy mới, con người mới, cũng như thực hiện chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính - cơ quan Bộ (sau khi hợp nhất) có tầm ảnh hưởng lớn, sâu rộng. Trong cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, công việc của Bộ Tài chính sau hợp nhất rất lớn, nhưng vẫn thông suốt, sắp tới sẽ ngày càng tốt lên, bộ máy sẽ hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn.
Cùng với đó, Bộ Tài chính rà soát lại toàn bộ chức năng nhiệm vụ, tránh chồng chéo, hướng tới tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ. Riêng về công tác tinh giản biên chế, thực hiện Nghị định 178/2025/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng chế độ chính sách và là Bộ đầu tiên có hướng dẫn trong khối các bộ, ngành. Dự kiến trong năm 2025 sẽ giảm khoảng 9.640 người.
Với những cơ quan thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp như thuế, hải quan, yêu cầu chuyển đổi theo mô hình mới vừa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vừa làm “hài lòng” doanh nghiệp không dễ dàng. Cục Hải quan và Cục Thuế trong trung tuần tháng 3/2025 đã chuyển đổi thành công khi nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi các danh mục, đáp ứng yêu cầu triển khai theo cơ cấu tổ chức bộ máy mới.
Chia sẻ với phóng viên, ông Mạc Trường Doanh - Công ty Thương mại và xuất nhập khẩu Minh Cường (Thái Nguyên) cho biết, khi quá trình vận hành theo mô hình mới, doanh nghiệp chưa gặp phải bất kỳ vướng mắc hay sự cố nào, mọi thủ tục với cơ quan hải quan vẫn diễn ra bình thường, thông suốt. Còn theo ông Nguyễn Huy Nghĩa - Công ty Tiếp vận Nội Bài, hàng ngày, doanh nghiệp tiếp nhận nhiều lô hàng tại các cảng và thực hiện các thủ tục thông quan thuận lợi, nơi kiểm hóa vẫn giữ nguyên như trước.
Vận hành thông suốt từ quyết tâm chính trị của người đứng đầu
Thời điểm Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính là khi cả nước bắt tay thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ngay từ thời điểm đó, người đứng đầu Bộ Tài chính đã thể hiện quyết tâm “phải làm ngay, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước”. Nói và làm, ngay lập tức Bộ trưởng đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Tài chính; đồng thời khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính; xây dựng phương án đổi mới, sắp xếp bộ máy.
Bộ trưởng, các Lãnh đạo Bộ Tài chính quán triệt, chỉ đạo toàn ngành tăng cường tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong tập thể đơn vị; kịp thời nắm bắt tư tưởng của công chức, viên chức, người lao động thống nhất nhận thức, hành động, chấp hành nghiêm chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Là người theo sát những thay đổi của Bộ Tài chính trong thời gian qua, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, những thay đổi trong hợp nhất các bộ, ngành thành Bộ Tài chính mới chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số các đơn vị cũng như cá nhân cần sắp xếp và điều chỉnh của cả nước. Điều đó cho thấy Bộ Tài chính đã rất nghiêm túc triển khai theo đúng tinh thần của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ.
“Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính được thực hiện quyết liệt, thực chất và rất hiệu quả, có thể đo lường được. Sau hợp nhất, tất cả các hoạt động của Bộ Tài chính, trong đó có cơ quan thuế, hải quan vẫn được ghi nhận rất tốt. Điều này cho thấy quá trình sắp xếp, hợp nhất và tinh gọn không ảnh hưởng đến sự thông suốt của bộ máy, nhất là trong thời điểm vừa chạy vừa xếp hạng này” - TS. Nguyễn Minh Phong nói.
Giảm chi phí kinh doanh, tăng cơ hội cho người dân, doanh nghiệp
Cùng với sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế, Bộ Tài chính cũng rà soát, giảm bớt các thủ tục hành chính, nâng cao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác quản lý để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính rà soát quy trình nghiệp vụ, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn thủ tục giấy và triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Năm nay là năm rất đặc biệt. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương rà soát kỹ lưỡng, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, bảo đảm giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí kinh doanh. Đây là yêu cầu khắt khe từ cuộc sống. Để giảm thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp không phải việc làm một sớm một chiều, mà các bộ, ngành trong đó có Bộ Tài chính phải thực hiện bền bỉ nhiều năm qua.
Bộ Tài chính luôn là Bộ đi đầu trong cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bình luận về điều này, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu áp dụng các chỉ tiêu cao để tất cả các ngành, các lĩnh vực, phấn đấu đạt cho được mục tiêu đề ra. Việc cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh có ý nghĩa “sống còn” đối với doanh nghiệp, bởi đây chính là tiền bạc, cơ hội kinh doanh. Hy vọng là điều đó sẽ được quán triệt ở tất cả các cấp, ngành, các địa phương.
TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định: “Bộ máy mới được kết cấu lại, rõ ràng hiệu quả vượt trội hơn những gì chúng ta tưởng tượng. Tôi tin tưởng, nếu có quyết tâm chính trị cao, nhất là dưới sự điều hành của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng- với tâm huyết, trách nhiệm và sự năng động, Bộ Tài chính sẽ đạt được mục tiêu đề ra, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Minh Anh