Bộ Tài Nguyên và Môi trường đánh giá, việc đầu tư xây dựng trạm bơm trực tiếp từ sông Hồng bằng hệ thống đường ống áp lực với lưu lượng 3 - 5 m3/s (tương đương với khoảng 260.000 - 432.000 m3/ngày) và 3 đập dâng trên sông Tô Lịch (cống Mọc, cầu Dậu, trước ngã ba sông Tô Lịch - sông Kim Ngưu) để bổ cập dòng chảy trên sông Tô Lịch, là vấn đề cần thiết, cấp bách, thuộc danh mục dự án được Nhà nước khuyến khích đầu tư, ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Tuy nhiên, công văn cũng nêu, phương án như đề xuất của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội mới chỉ “bổ cập” bằng lượng nước thải được thu gom đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung, chưa giải quyết được vấn đề phục hồi dòng chảy, làm sống lại dòng sông Tô Lịch, tạo cảnh quan, duy trì dòng chảy.
Thống kê của Sở Xây Hà Nội cho thấy, hiện có 119 cống và phần lớn đã được đấu nối vào hệ thống cống gom chạy dọc hai bờ sông thuộc dự án của nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng theo phương án này, cần rà soát bổ sung đánh giá đến nguy cơ gây sạt lở, bồi lắng khu vực sông Hồng tại cửa lấy nước của trạm bơm đầu mối, đảm bảo công trình ổn định lâu dài và lấy nước liên tục trong điều kiện mực nước sông Hồng ngày càng hạ thấp.
Ngoài ra, với việc lấy nước trực tiếp từ sông Hồng, với đặc thù nguồn nước có hàm lượng phù sa lớn, không có giải pháp xử lý sơ bộ trước khi bổ cập, cần xem xét bổ sung nghiên cứu việc ô nhiễm thứ cấp đến sông Tô Lịch, cũng như các giải pháp xử lý việc lắng đọng phù sa và rác thải tại 3 đập dâng trên sông trong quá trình vận hành. Bên cạnh đó, xem xét, bổ sung giải pháp sơ lắng nước sông Hồng trước khi bổ cập vào sông Tô Lịch.
Bộ cũng cho rằng, việc dẫn nước từ sông Hồng về sông Tô Lịch bằng đường ống áp lực D1200 mm dọc theo đường Võ Chí Công, với chiều dài khoảng 5,5 km, cũng cần phải nghiên cứu, có các giải pháp cụ thể để giải quyết rủi ro như: Phá hỏng các công trình ngầm trong quá trình thi công; vỡ, tắc đường ống trong quá trình vận hành.
Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, giải pháp Hà Nội đưa ra chưa giải quyết được tổng thể, dài hạn để phục hồi dòng sông, tạo cảnh quan ven sông (duy trì dòng chảy liên tục trên sông, trong khi hiện tại vào mùa khô về cơ bản sông Tô Lịch có chức năng như kênh thoát nước thải), nhằm nâng cao giá trị về kinh tế, môi trường, sinh thái, văn hóa, lịch sử gắn liền với dòng sông Tô Lịch, tạo không gian kiến trúc hiện đại mang tính biểu tượng thời kỳ phát triển mới của Thủ đô.
Để giải quyết cơ bản các vấn đề nêu trên, Bộ cho rằng, phải bổ sung cho nước sông Tô Lịch với lưu lượng khoảng 15 - 20 m3/s, duy trì vận tốc trung bình. Sông Tô Lịch dài 13,4 km, điểm đầu là mương Nghĩa Đô đường Hoàng Quốc Việt. Điểm cuối có hai hướng thoát, thứ nhất ra sông Nhuệ qua cửa điều tiết đập Thanh Liệt và thứ hai thoát ra sông Hồng qua tuyến hạ lưu sông Kim Ngưu về trạm bơm Yên Sở công suất 90 m3/s, bơm cưỡng bức ra sông Hồng.
Những năm qua Hà Nội triển khai nhiều dự án khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch, nhưng không hiệu quả. Vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép Thành phố xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch. Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án khoảng 550 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Nếu được chấp nhận, dự án sẽ hoàn thành trước tháng 9/2025.
Thu Trang/Báo Tin tức