Nhiều học sinh tiểu học đã phải học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi vào trường THCS chất lượng cao. Ảnh minh họa: ST
Trong nhiều năm qua, các kỳ thi tuyển sinh lớp 6 của các trường THCS chất lượng cao luôn là "cuộc đua khốc liệt" giữa các học sinh. Để con có cơ hội trúng tuyển, không ít phụ huynh đã đầu tư mạnh vào việc học thêm, ôn luyện và chuẩn bị cho kỳ thi này.
Chị Nguyễn Thu Hương (Q.Đống Đa, Hà Nội), một phụ huynh có con đang học lớp 5, cho biết, gia đình chị đã chi không ít tiền cho con học thêm các môn Toán, Tiếng Anh suốt 2 năm qua để chuẩn bị cho kỳ thi vào trường THCS Ngoại ngữ- ĐH Ngoại ngữ- ĐHQG Hà Nội.
"Mỗi tuần, con tôi học thêm 2 buổi tiếng Anh, 2 buổi Toán, trong đó tiền học tiếng Anh là 300.000 đồng/buổi, tiền học Toán là 200.000 đồng/buổi. Tính ra, chỉ tiền học 2 môn này đã 4-5 triệu đồng/tháng. Ngoài đầu tư về tiền, bố mẹ cũng mất công đưa đón con đi học. Khi nghe thông tin năm nay chỉ xét tuyển học bạ, tôi cảm thấy rất buồn vì những gì gia đình đã đầu tư có vẻ như trở thành vô nghĩa, kế hoạch học tập của con cũng bị đảo lộn."
Nhiều phụ huynh lo lắng việc xét tuyển sẽ dẫn đến tình trạng xin điểm, chạy điểm... Ảnh minh họa: ST
Cũng đầu tư khá nhiều tiền cho con học thêm, ngày ngày ốp con học bài với kỳ vọng con thi đỗ vào trường THCS Cầu Giấy, thế nên khi biết thông tin dừng thi tuyển vào các trường THCS, chị Đoàn Anh Thư (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) khá suy tư. "Nếu thông báo từ đầu năm học, chúng tôi sẽ có thời gian chuẩn bị tâm lý và điều chỉnh kế hoạch. Nhưng thông tư lại được ban hành vào giữa năm, khiến chúng tôi rơi vào thế bị động"- chị Anh Thư, bức xúc.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi lớn nhất là tính minh bạch của phương thức xét tuyển học bạ. Với việc bỏ kỳ thi tuyển, điểm số trong học bạ trở thành yếu tố quyết định để xét tuyển vào các trường chất lượng cao. Tuy nhiên, điều này khiến nhiều phụ huynh hoài nghi về sự công bằng trong cách đánh giá.
Chị Lê Tuyết Mai (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) lo lắng: "Chúng tôi sợ rằng việc xét tuyển chỉ dựa trên học bạ sẽ dẫn đến tình trạng xin điểm, chạy điểm... Liệu học sinh thực sự giỏi có cơ hội công bằng trước những học bạ được 'phù phép làm đẹp' khác hay không? Tôi nghĩ rằng, việc không tổ chức thi tuyển cũng làm giảm khả năng phân loại học sinh. Những học sinh giỏi nhưng có học bạ không nổi trội, hoặc không tham gia các kỳ thi để có những giải thưởng… thì dễ bị mất cơ hội vào các trường mong muốn".
"Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển nhằm hướng tới việc giảm áp lực cho học sinh nhưng thực tế chưa chắc đã đạt được điều đó. Các em học sinh tiểu học sẽ phải đối mặt với khối lượng học tập nặng nề hơn để đảm bảo đạt được học bạ tốt"- bà Nguyễn P.L, một giáo viên tiểu học tại Hà Nội, băn khoăn.
Trước sự thay đổi về tuyển sinh cấp THCS, nhiều phụ huynh cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có lộ trình rõ ràng và giải pháp để đảm bảo tính minh bạch, công bằng khi thực hiện quy định mới, . Đồng thời, việc thay đổi cần đi kèm với thông báo sớm và hướng dẫn cụ thể, nhằm tránh gây hoang mang trong xã hội.
N.MInh