Bỏ thuế khoán chậm nhất năm 2026, hộ kinh doanh bước vào lộ trình mới

Bỏ thuế khoán chậm nhất năm 2026, hộ kinh doanh bước vào lộ trình mới
7 giờ trướcBài gốc
Xóa thuế khoán - bước đột phá
Số liệu từ Cục Thuế (Bộ Tài chính) tính đến hết tháng 3/2025 cho thấy, có hơn 1,97 triệu hộ và cá nhân kinh doanh nộp thuế theo hình thức khoán và chỉ có 6.142 hộ nộp thuế theo hình thức kê khai, chỉ chiếm khoảng 0,3% tổng số hộ nộp thuế.
Tổng thu ngân sách nhà nước từ hộ, cá nhân kinh doanh 3 tháng đầu năm nay ước đạt 8.695 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Mức nộp thuế khoán bình quân trong tháng 3/2025 là hơn 672 nghìn đồng mỗi hộ/cá nhân. Trong khi đó, mức thuế bình quân theo phương pháp kê khai đạt 4,6 triệu đồng/hộ, cá nhân/tháng. Chênh lệch gần 7 lần giữa hai hình thức cho thấy mức độ thiếu chính xác trong đánh giá thu nhập thực tế của hộ khoán.
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã xác định rõ định hướng hỗ trợ hiệu quả và thực chất cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.
Đáng chú ý, Bộ Chính trị đặt mục tiêu xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026.
Mục tiêu xóa hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026 được chuyên gia đánh giá là bước đột phá. Ảnh: Thạch Thảo
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, cho biết bản chất của thuế khoán xuất phát từ nguyên tắc quản lý thuế, tức là nguyên tắc trọng yếu, để việc quản lý thu thuế được thuận tiện hơn. Phương pháp này đã được sử dụng nhiều năm qua.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển, chính sách thuế khoán dần bộc lộ nhiều hạn chế, tạo kẽ hở để bị lợi dụng nhằm né tránh nghĩa vụ thuế. Không ít hộ kinh doanh cố tình không “lớn mạnh” để tận dụng chính sách. Vì thế, Nghị quyết 68 sẽ xóa bỏ hình thức thuế khoán là bước đột phá, điều lẽ ra nên thực hiện từ lâu.
Theo ông Được, xóa bỏ hình thức thuế khoán sẽ tạo sự bình đẳng, minh bạch. Bởi, với chính sách thuế khoán có thể kinh doanh lớn lại nộp thuế ít, không phát sinh kinh doanh lại phải nộp thuế... Do đó, việc đánh thuế sẽ không phản ánh đúng thực chất hoạt động kinh doanh.
"Bỏ thuế khoán sẽ phải thực hiện hóa đơn chứng từ, sổ sách kế toán, khi đó bức tranh nền kinh tế được minh bạch, thu thuế đúng hơn, đủ hơn. Đối với các hộ kinh doanh cũng có điều kiện để quản trị được tài chính, hiểu được số liệu tài chính của mình”, ông phân tích.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thức - chuyên gia cấp cao về Thuế và Kế toán, cố vấn cấp cao Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Kế toán Hà Nội, cũng cho rằng, thuế khoán phát sinh chênh lệch giữa số thuế khoán và số liệu thống kê thực tế hằng năm, với nhiều biến số chưa được kiểm soát.
Do đó, theo ông Thức, việc xóa bỏ hình thức thuế khoán sẽ giúp phản ánh trung thực, đầy đủ hơn doanh thu thực tế của hộ kinh doanh. Bởi lẽ, bán hàng đến đâu phải xuất hóa đơn đến đó. Khi kết hợp với các công nghệ hiện đại như AI, blockchain, hệ thống kết nối máy tính tiền, phần mềm kế toán, quản lý hóa đơn, lưu trữ dữ liệu đầu vào - đầu ra một cách đồng bộ, thì đây sẽ là một cuộc cải cách căn cơ, giúp giải quyết triệt để các tồn tại.
Cần có một phương pháp nộp thuế
Ông Nguyễn Văn Thức đánh giá, xóa thuế khoán sẽ tạo bước đột phá cho nền kinh tế khi tiết kiệm thời gian, nguồn lực ngay từ các khâu trước, trong và sau vận hành, giám sát, giải trình. Đảm bảo công bằng hơn, thuận tiện cho mọi người.
“Càng rõ ràng, càng kết nối, càng nhất quán, càng hiệu quả. Càng minh bạch, càng tạo sự sáng tạo. Khâu vận hành tiết kiệm hơn, người làm ăn thật cũng sẽ thích hơn. Cơ quan quản lý nhà nước, các hộ kinh doanh tích cực, quyết tâm cùng phối hợp, hỗ trợ, chắc chắn sẽ thực hiện tốt”, ông Thức nhìn nhận.
Ông Nguyễn Văn Được cho hay, hiện có 3 phương pháp nộp thuế là kê khai thuế, nộp thuế theo từng lần phát sinh và thuế khoán. Khi bỏ thuế khoán, người nộp thuế sẽ phải nộp theo phương pháp kê khai, theo quy định hiện nay phải thực hiện chế độ kế toán. Từ đó, phải thực hiện hóa đơn, chứng từ đầy đủ nên có thể gây rủi ro về pháp lý, tăng thêm chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí bộ máy kế toán cho người nộp thuế.
Nghị quyết 68 cũng đã đưa ra cơ chế hỗ trợ cá nhân, hộ kinh doanh bằng các chính sách pháp luật, chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ... làm sao đơn giản nhất, thuận tiện nhất để họ chủ động chuyển thành doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Được, luật thuế sẽ phải sửa đổi để đưa ra một phương pháp nộp thuế đối với những hộ kinh doanh.
“Luật Thuế giá trị gia tăng có phương pháp nộp thuế trực tiếp, nghĩa là chỉ quan tâm có doanh thu đúng thì thu thuế đúng và đủ; không nhất thiết cần có sổ sách kế toán. Có thể tự xuất hóa đơn hoặc phải sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền giống như các hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng.
Điều này không nhất thiết phải có chế độ kế toán với các hộ nhỏ, siêu nhỏ để giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí bộ máy kế toán, cũng như chi phí xã hội. Như vậy, sẽ phù hợp hơn với bối cảnh Việt Nam và lộ trình xóa bỏ hình thức thuế khoán chậm nhất trong năm 2026 dư sức làm được”, ông Được đề xuất.
Nguyễn Lê
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/ho-kinh-doanh-can-duoc-ho-tro-gi-khi-bo-thue-khoan-2400135.html