Ông Nguyễn Hồng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) ngày 25.11 cho biết, từ nhiều năm qua, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu quan trọng số 1 của Việt Nam, cũng là thị trường có tiêu chuẩn cao và áp dụng ngày càng nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm mạnh do tác động từ suy giảm kinh tế, lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu, lãi suất cao... Trong 3 quý đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đã cơ bản phục hồi và dần lấy lại đà tăng trưởng ổn định.
Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ dẫn số liệu do Ủy ban thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Mỹ (USITC) công bố đầu tháng 11.2024, cho biết Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Mỹ đạt 109,1 tỉ USD tăng 20,13% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 2,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 99,9 tỉ USD (chiếm 4,13% tổng nhập khẩu của Mỹ, tăng 19,4%); nhập khẩu từ Mỹ đạt 9,3 tỉ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2023. Thặng dư thương mại đạt 90,6 tỉ USD, tăng 51,1% so với cùng kỳ 2023. Đây là mức tăng trưởng khả quan so với hầu hết các nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia...
Các chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa cũng như tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị của Mỹ, các doanh nghiệp cần tiếp tục phát triển sản phẩm xuất khẩu theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa; cải thiện cơ cấu sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành; thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh quá trình nội địa hóa để gia tăng hàm lượng giá trị của Việt Nam.
Với triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 có nhiều tín hiệu khả quan, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo tích cực, nền kinh tế vĩ mô và chính trị được duy trì ổn định. Cơ quan Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đánh giá các lĩnh vực quan trọng trong quá trình hợp tác song phương giữa hai quốc gia trong thời gian tới là tập trung đa dạng chuỗi cung ứng và chuyển đổi số. Ngoài ra, hai nước cũng đều hướng sự quan tâm tới việc chuyển đổi năng lượng cũng như các giải pháp năng lượng tái tạo, bền vững. Trong đó, đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường giữ vai trò then chốt.
Dù vậy, theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, trong bối cảnh hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, trong đó là việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Tình trạng thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ cũng gây ra nhiều áp lực từ các biện pháp bảo hộ và điều chỉnh chính sách thương mại của phía Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh các nước đều gia tăng bảo vệ lợi ích quốc gia trước biến động toàn cầu.
Tuyết Nhung