Hướng di chuyển của bão Wipha. (Ảnh: TTXVN phát)
Ngày 18/7, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có công điện số 4136/CĐ-TM gửi Tổng cục Chính trị; các tổng cục: Hậu cần - Kỹ thuật, Công nghiệp quốc phòng, Tổng cục II; các quân khu 1, 2, 3, 4; các quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân; Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Quân đoàn 12; các binh chủng Công binh, Hóa học, Thông tin liên lạc, Pháo binh, Đặc công, Tăng thiết giáp; các binh đoàn 11, 12, 18, 19, về việc chủ động ứng phó với bão Wipha và mưa lớn tại Bắc Bộ và Thanh Hóa.
Theo đó, Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ ứng trực, chủ động theo dõi nắm chắc tình hình diễn biến của bão và mưa lớn; kiểm tra, bổ sung, điều chỉnh các phương án, kế hoạch; triển khai các biện pháp phòng, chống đảm bảo an toàn doanh trại, kho tàng, các công trình đang thi công; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra; bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và phương tiện khi thực hiện nhiệm vụ.
Các quân khu 1, 2, 3, 4 chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối, khu vực thấp trũng, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm; chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền, phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp chính quyền và nhân dân địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn.
Các quân đoàn, binh chủng, binh đoàn rà soát, kiểm tra các kế hoạch, phương án ứng phó, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền, bảo đảm an toàn doanh trại, kho tàng; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với địa phương nơi đóng quân và nơi thực hiện nhiệm vụ; huy động lực lượng, phương tiện giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát các kế hoạch, phương án ứng phó, các khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá, tuyến đê, kè, hồ, đập xung yếu, các khu vực ngập lụt, chia cắt, không để xảy ra thiệt hại về người, tài sản do bất cẩn, chủ quan; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó, khắc phục hậu quả.
Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các phương tiện hoạt động trên biển, tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để di chuyển tránh, trú hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; hướng dẫn sắp xếp, neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú an toàn.
Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn khi có tình huống xảy ra trên biển, đảo. Quân chủng Phòng không-Không quân, Binh đoàn 18 kiểm tra, rà soát kế hoạch, tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện bay tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đường không khi có lệnh của Bộ.
Các tổng cục: Hậu cần-Kỹ thuật, Công nghiệp quốc phòng, Tổng cục II theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền làm tốt công tác ứng phó với bão, bảo đảm an toàn kho xưởng, nhà máy, vũ khí trang bị, chuẩn bị tốt công tác bảo đảm về hậu cần, kỹ thuật phục vụ công tác ứng phó với bão; chủ động phối hợp, xuất cấp và vận chuyển kịp thời vật tư, trang bị cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện giúp đỡ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra./.
(TTXVN/Vietnam+)