Ngày 21-7, Bộ Tổng Tham mưu ban hành Công điện số 4181/CĐ-TM gửi Tổng cục Chính trị; các Tổng cục Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp quốc phòng, Tổng cục II, các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5; các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân; Bộ đội Biên phòng; các Quân đoàn 12, 34; Cảnh sát biển Việt Nam; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; các Binh chủng Công binh, Hóa học, Thông tin liên lạc, Pháo binh, Đặc công, Tăng thiết giáp; các Binh đoàn 11, 12, 18, 19.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam giúp dân chằng nhà chống bão Trà Mi. Ảnh: AH.
Công điện thông tin, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 4 giờ sáng cùng ngày, bão số 3 (Wipha) đang ở khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 275 km về phía Đông.
Bão đang hoạt động trên khu vực Bắc biển Đông với cường độ rất mạnh cấp 12, giật cấp 15. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo bão sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ chiều tối 21-7, gây gió mạnh, mưa lớn, có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở trung du, miền núi và ngập lụt tại vùng trũng, đô thị.
Thực hiện Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19-7 và Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 20-7 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương ứng phó khẩn cấp với bão số 3, Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 4136/CĐ-TM ngày 18-7, Công điện số 4160/CĐ-TM ngày 19-7 của Bộ Tổng Tham mưu về việc chủ động ứng phó với bão Wipha, mưa lớn tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, không để bị động, bất ngờ.
Các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ ứng trực ở các cấp, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Bộ đội Biên phòng tiếp tục chỉ đạo lực lượng tại các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh.
Phối hợp với chính quyền và cơ quan chức năng địa phương kiểm đếm tàu thuyền, thông báo kịp thời cho chủ phương tiện, thuyền trưởng biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để di chuyển về nơi tránh trú an toàn hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Các đơn vị phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền tại khu neo đậu, kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản trước và trong khi bão đổ bộ.
Các đơn vị tiến hành kiểm tra, rà soát phương án; gia cố, bảo vệ nhà xưởng, công trình xung yếu, công trình đang thi công dở dang và các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét; các khu vực đã xảy ra hoặc có nguy cơ sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối; vùng thấp trũng, dễ ngập lụt.
Bộ đội chủ động hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, tổ chức sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, các nhà yếu không đảm bảo an toàn.
Lực lượng và phương tiện phải sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó kịp thời, hiệu quả với mọi tình huống và thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Việc bảo đảm an toàn cho người và phương tiện làm nhiệm vụ cần được đặt lên hàng đầu.
Công tác tuyên truyền về hoạt động của bộ đội trong hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn cũng cần được chú trọng.
Các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo về Bộ Tổng Tham mưu (qua Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng và Cục Cứu hộ - Cứu nạn) để Bộ Quốc phòng theo dõi, chỉ đạo.
VIẾT THỊNH