Ảnh minh họa.
Bộ Nội vụ đã thông tin về việc sau khi hợp nhất các tỉnh, thành phố, cán bộ, công chức, viên chức địa phương băn khoăn khi phải di chuyển từ vài chục km đến cả trăm km đến trụ sở hành chính mới làm việc.
Việc bố trí nhà công vụ, xe đưa đón cán bộ, công chức (nếu có) tại các địa phương sau khi sáp nhập sẽ được thực hiện như thế nào?
Trao đổi về nội dung này, Bộ Nội vụ cho biết Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 đã có quy định rõ.
Theo đó, chính quyền địa phương cấp tỉnh nơi dự kiến bố trí trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến hình thành sau sắp xếp, có trách nhiệm chủ động cân đối, bố trí ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính sau sắp xếp.
Đồng thời, quan tâm bố trí nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác và nhu cầu đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp để ổn định điều kiện làm việc tại đơn vị hành chính sau sắp xếp.
Cùng với đó, hướng dẫn, tạo điều kiện để chính quyền địa phương cấp xã sau sắp xếp cân đối ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc, bảo đảm điều kiện làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại đơn vị hành chính cấp xã.
Để đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp đi vào vận hành, Bộ Nội vụ cho biết Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) sẽ quy định cụ thể mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã.
Dự thảo Luật đang trình Quốc hội đề xuất Hội đồng nhân dân cấp xã thành lập 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội. Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định cụ thể tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã.
Theo đó, dự kiến tổ chức tối đa 4 Phòng chuyên môn và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo gồm: (1) Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; (2) Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc); (3) Phòng Văn hóa - Xã hội; (4) Trung tâm phục vụ hành chính công.
Riêng đối với đơn vị hành chính cấp xã giữ nguyên trạng (không sắp xếp): Có thể không tổ chức Phòng chuyên môn. Chính phủ dự kiến bố trí tăng thêm 1 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và một số công chức cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi không tổ chức Phòng chuyên môn, và giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định cụ thể đối với từng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.
Theo Bộ Nội vụ, chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là cuộc cải cách về đơn vị hành chính các cấp trong cả nước có quy mô lớn nhất, toàn diện và triệt để nhất từ trước đến nay. Có tác động sâu rộng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương và trực tiếp đến từng người dân.
Việc sáp nhập tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là việc sáp nhập cơ học về địa giới hành chính, mà là tổ chức lại không gian phát triển, tổ chức lại hệ thống quản trị, tái cấu trúc mô hình vận hành hệ thống chính trị nói chung, chính quyền địa phương các cấp nói riêng đồng bộ với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ gắn với nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Mục tiêu giảm số lượng đơn vị hành chính các cấp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhưng bảo đảm tính kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm ổn định lâu dài. Đồng thời, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của các địa phương, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Phúc Minh