Bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ sau sáp nhập phải công bằng, tránh biến tướng

Bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ sau sáp nhập phải công bằng, tránh biến tướng
2 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và kết thúc hoạt động của cấp huyện đang được triển khai quyết liệt tại các địa phương. Khi sáp nhập, trụ sở trung tâm hành chính sẽ có sự thay đổi. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có không ít cán bộ, công chức, viên chức sẽ thay đổi địa điểm làm việc, gặp khó khăn khi có nhà xa trung tâm hành chính mới.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức ổn định điều kiện làm việc tại đơn vị hành chính sau sắp xếp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 76 về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, trong đó nêu rõ: Chính quyền địa phương cấp tỉnh nơi dự kiến bố trí trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh quan tâm bố trí nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác và nhu cầu đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khi sáp nhập, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh, trụ sở trung tâm hành chính của tỉnh sẽ có sự thay đổi. Khi trung tâm hành chính tỉnh đặt tại một địa phương, đối với địa phương còn lại, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan của tỉnh đó sẽ phải di chuyển xa hơn để đến nơi làm việc mới. Do vậy, việc bố trí nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác, đi lại cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là hết sức cần thiết, giúp họ bảo đảm sức khỏe, yên tâm công tác tại trụ sở mới sau khi sáp nhập.
Tuy nhiên, ông Dĩnh cho rằng, không nên áp dụng một cách cứng nhắc mà tùy vào điều kiện của từng địa phương khác nhau để thực hiện các chế độ, chính sách khác nhau. Với những tỉnh sau sáp nhập có trụ sở trung tâm hành chính không quá xa thì có thể tổ chức các tuyến xe đưa đón. Nếu khoảng cách xa hơn thì có thể hỗ trợ cho cán bộ, công chức thuê nhà ở hoặc hỗ trợ tiền đi lại, thậm chí có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức chuyển cả gia đình đến địa điểm mới.
"Có nhiều chính sách có thể tổ chức được, tùy theo điều kiện của mỗi khu vực, mỗi tỉnh sau khi sáp nhập. Các địa phương phải xác định nhu cầu của từng cán bộ, công chức, viên chức để đưa ra chính sách hỗ trợ sao cho phù hợp để tránh lãng phí”, ông Dĩnh nói.
Để đảm bảo các chính sách đạt được kết quả cũng như đảm bảo sự công bằng, tiết kiệm, tránh lãng phí, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, trong quá trình thực hiện cần nắm được nhu cầu thực sự của cán bộ, công chức, viên chức về số lượng, điều kiện, nhu cầu nhà ở công vụ để bố trí cho phù hợp. Đồng thời tiến hành quản lý chặt chẽ nhà công vụ, đảm bảo hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng và đúng chính sách, tránh sự biến tướng. Khi còn đang làm việc, cán bộ, công chức được sử dụng nhà công vụ theo quy định, nhưng khi không còn làm việc nữa thì phải trả lại theo quy định.
Theo ông Dĩnh, nếu nhu cầu đăng ký nhà ở công vụ lớn thì về lâu dài cần phải có tính toán phù hợp. Còn để phục vụ trước mắt và số lượng cán bộ, công chức, viên chức đăng ký không nhiều thì có thể tận dụng những trụ sở dôi dư để cải tạo, chuyển đổi công năng thành nhà công vụ cũng là một phương án cần tính đến để tránh lãng phí.
Nhấn mạnh chính sách về nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức đi làm xa sau khi sáp nhập đơn vị hành chính là cần thiết, TS Vũ Trung Kiên – Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực 2 cho rằng, câu chuyện về nhà ở công vụ tới đây có thể sẽ không khó khăn bởi vì sau khi sáp nhập, bỏ cấp huyện thì sẽ có nhiều trụ sở công sản dôi dư. Do đó, có thể chuyển đổi công năng để biến trụ sở dôi dư thành nhà ở công vụ phục vụ cán bộ, công chức đi làm xa để họ yên tâm làm việc.
Bên cạnh phương án bố trí nhà công vụ, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, để giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động yên tâm làm việc sau khi sáp nhập, có thể áp dụng chế độ làm việc từ xa cho một số vị trí công việc đặc thù hoặc công chức có con nhỏ hoặc những hoàn cảnh gia đình đặc biệt.
Việc này không chỉ phù hợp trong bối cảnh phát triển công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, công dân số mà còn là đổi mới về phương thức quản trị nhân lực trong cơ quan Nhà nước hiện nay - đó là quản lý theo kết quả đầu ra thay bằng quản lý theo quá trình đối với đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay.
"Đánh giá cán bộ, công chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo vị trí việc làm là phải theo kết quả, theo sản phẩm cụ thể, sản phẩm cuối cùng đạt được so với nhiệm vụ và thẩm quyền mà họ được giao, cộng với tinh thần, thái độ trong công việc thể hiện bằng sự hài lòng của nhân dân chứ không phải nặng về đánh giá, quản lý theo thời gian, quá trình hay quản lý cán bộ, công chức ở cơ quan hay không”, ông Nguyễn Tiến Dĩnh nêu ý kiến.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội tổ chức mới đây, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cơ quan Nhà nước được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho công chức của mình ở, nhất là tại các địa phương thực hiện sáp nhập, tạo thuận lợi cho việc thực thi công vụ của các đối tượng này.
Từ phía đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đồng tình đề nghị trên. Theo ông, thời gian tới, một lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động khi sáp nhập đơn vị hành chính sẽ có nhu cầu nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua, nên ban soạn thảo sẽ nghiên cứu bổ sung quy định.
(Theo VOV)
Nguồn Yên Bái : https://baoyenbai.com.vn/13/349698/bo-tri-nha-o-cong-vu-cho-can-bo-sau-sap-nhap-phai-cong-bang-tranh-bien-tuong.aspx